Tránh được sóng thần vì nhớ lời tổ tiên

Tránh được sóng thần vì nhớ lời tổ tiên
TP - Các bức tường chắn sóng hiện đại không thể bảo vệ những thị trấn ven biển của Nhật Bản trước trận sóng thần lịch sử hôm 11-3. Nhưng làng Aneyhoshi là ngoại lệ, vì họ luôn ghi nhớ lời dạy của tổ tiên để lại.

> Nhật Bản lại tiếp tục hứng chịu dư chấn động đất

Khoảng 1.000 người dân thành phố Minamisanriku chết, mất tích khi sóng thần quét qua Ảnh: Noriko Hayashi
Khoảng 1.000 người dân thành phố Minamisanriku chết, mất tích khi sóng thần quét qua Ảnh: Noriko Hayashi.

“Sống trên cao mang lại hòa bình và hòa hợp cho các thế hệ con cháu chúng ta”, một tấm bia đá trong làng viết. “Ghi nhớ tai họa từ những trận sóng thần lớn. Đừng bao giờ xây nhà dưới điểm này”. Đó là lời khuyên mà các gia đình ở Aneyoshi ghi nhớ, nên nhà của họ vô sự trước thảm họa san phẳng những ngôi làng ven biển nằm thấp hơn, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Các hộ ở đây đều xây nhà phía trên tấm bia cảnh báo. “Mọi người ở đây đều biết các tấm bia. Chúng cháu được học ở trường”, cậu bé Yuto Kimura 12 tuổi cho biết. “Khi sóng thần đến, mẹ đón cháu về nhà và cả làng trèo lên nơi cao hơn”.

Hàng trăm tấm bia đá với tuổi đời hơn 600 năm như thế nằm rải rác dọc bờ biển. Chúng tạo thành hệ thống cảnh báo còn nguyên giá trị tới ngày hôm nay cho Nhật Bản, đất nước nằm trên những đường đứt gãy địa chất lớn nên thường xuyên hứng chịu động đất, sóng thần nhiều thế kỷ qua. Những thế hệ trước cũng để lại lời cảnh báo qua tên gọi địa danh, như thị trấn Đất Bạch tuộc để chỉ nơi từng bị sóng thần quét sạch, hoặc đặt tên một số ngôi đền nơi đây theo tên các đợt sóng thần, Fumihiko Imamura, giáo sư nghiên cứu thảm họa ở Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản) nói.

Không phải tất cả bia đá đều chỉ ra nơi nào an toàn để xây nhà. Một số chỉ được dựng lên để nhắc nhở về thảm họa thiên nhiên, như “Nếu xảy ra động đất, coi chừng sóng thần”. Tuy nhiên, trong cuộc sống hối hả ngày nay, nhiều người lãng quên những tấm bia đó.

Trận động đất 9 độ Richter và sóng thần hôm 11-3 có thể chỉ xảy ra một lần trong thời gian một đời người. Cty Điện lực Tokyo, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, đã không chuẩn bị cho thảm họa này.

Nhiều cộng đồng dân cư được xây dựng sát mép nước, gần các bức tường chắn sóng được dựng lên sau cơn sóng thần nhỏ hơn xảy ra năm 1960. “Mọi người đều biết kiến thức này, nhưng họ quá bận rộn với cuộc sống và công việc, nên nhiều người đã quên đi”, Yotaru Hatamura, một học giả Nhật Bản nghiên cứu các tấm bia, nói.

Bia đá cảnh báo động đất, sóng thần ở làng Aneyoshi Ảnh: Jay Alabaster
Bia đá cảnh báo động đất, sóng thần ở làng Aneyoshi Ảnh: Jay Alabaster.

Aneyoshi thuộc thành phố Miyako, nơi liên tục bị sóng thần san phẳng. Ông Isamu Aneishi, 69 tuổi, nói rằng, ông cha đã dời cả gia đình ông lên khu vực cao hơn từ 100 năm trước. Nhưng trường tiểu học nơi ba đứa cháu ông theo học chỉ cách biển 150m, nên cũng bị tàn phá như những ngôi nhà xung quanh khác. Xác các cháu của ông Aneishi giờ vẫn chưa tìm thấy.

Một tấm bia đá ở thành phố ven biển Kesennuma viết: “Phải luôn chuẩn bị đối phó những trận sóng thần bất chợt. Chọn mạng sống thay vì tài sản và của cải”. Xa hơn về phía nam, cơn sóng thần quét đi một tấm bia cao 2m nằm gần sân chơi ở trung tâm thành phố Notori.

Tấm bia này được khắc dòng chữ cỡ lớn: “Nếu xảy ra động đất, coi chừng sóng thần”. Nhưng nhiều người không làm theo lời dạy này sau khi xảy ra động đất; họ tới đón con ở trường học và cố về xem nhà ở ven biển của mình ra sao. Hàng nghìn người dân Natori chết, mất tích trong thảm họa. Tính đến hôm qua, lượng người chết trong trận động đất, sóng thần hôm 11-3 là 13.705, và số người mất tích là 14.175, theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản.

Thái An
Theo Huffington Post, Kyodo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG