Triều Tiên: Chiến tranh nếu vệ tinh bị bắn rơi

Triều Tiên: Chiến tranh nếu vệ tinh bị bắn rơi
TP - Ngày 9/3, toàn bộ các lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên được lệnh đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh trong khi Bình Nhưỡng dọa sẽ trả đũa bất cứ ai tìm cách ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh.
Triều Tiên: Chiến tranh nếu vệ tinh bị bắn rơi ảnh 1
Xe tăng, tên lửa Triều Tiên trong lễ duyệt binh. Ảnh: ABC

Các hãng tin cho biết lời cảnh báo và các động thái chuẩn bị chiến tranh nói trên được Bình Nhưỡng thực hiện đúng vào ngày Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận thường niên. 

Trước đó, CHDCND Triều Tiên nhiều lần kêu gọi Washington và Seoul hủy bỏ cuộc tập trận này vì cho rằng đó là việc chuẩn bị chiến tranh lần thứ hai chống Bắc Triều Tiên.

Sáng 9/3, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) phát tuyên bố nói đại ý, việc bắn hạ vệ tinh vì mục đích hòa bình của Bắc Triều Tiên sẽ có nghĩa chính xác là chiến tranh.

Hành động đáp trả của Bình Nhưỡng sẽ không chỉ nhằm vào các hệ thống vũ khí dùng để hạ vệ tinh mà còn nhằm vào những nơi xuất phát của vũ khí đó như Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

* Cuộc tập trận Mỹ-Hàn lần này kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ ngày 9/3 có sự tham gia của 26.000 lính Mỹ do Tướng Mỹ Walter Sharp chỉ huy và một lực lượng khoảng 680.000 quân Nam Triều Tiên.

Sự căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang ngày một leo thang sau khi Bình Nhưỡng cho biết họ chuẩn bị phóng vệ tinh vào không gian nhưng phía Mỹ và Hàn Quốc coi đó thực chất là cuộc bắn thử tên lửa tầm xa.

Washington và Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa nếu không Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắn hạ tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên.

Sáng 9/3, Bắc Triều Tiên tiến thêm một bước là cắt đứt kênh thông tin cuối cùng với Nam Triều Tiên bằng cách ngừng đường dây điện thoại quân sự nối giữa hai miền.

Đường dây nóng này là kết quả đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên trước đây nhằm thông báo cho nhau kịp thời những hiện tượng khác thường về quân sự giữa hai nước để tránh hiểu lầm đáng tiếc.

Với việc cắt đứt đường dây điện thoại quân sự cuối cùng, thời gian tới nếu có đụng độ quân sự nơi biên giới hai miền, cấp chỉ huy tối cao hai bên sẽ không được thông báo hoặc trao đổi kịp thời.

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn cho chặn lại tại vùng biên giới hơn 700 người Nam Triều Tiên đi làm việc hàng ngày tại các khu công nghiệp liên doanh  Kaesong đặt trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận việc tất cả 726 người Hàn Quốc gồm công nhân làm việc tại các nhà máy liên doanh tại khu công nghiệp Kaesong. Nhóm dân sự khác từ Hàn Quốc đến thăm Kaesong cũng bị chặn lại tại biên giới.

Khu công nghiệp liên doanh hai miền Triều Tiên do Hàn Quốc đóng góp phần lớn vốn xây dựng trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên từ năm 2005 từng được coi là biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc giữa hai miền. Dự án này nhằm tận dụng vốn và kỹ thuật, công nghệ của Hàn Quốc đất đai và lao động rẻ của Bắc  Triều Tiên.

Tính đến cuối tháng hai vừa qua, có khoảng 39.000 công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong 98 công ty của Nam Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong. Các công nhân này sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp nhẹ như đồng hồ đeo tay, quần áo, giầy dép, và dụng cụ làm bếp.

Từ tháng 12 năm ngoái, do quan hệ giữa hai miền Triều Tiên trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên cầm quyền, phía Bình Nhưỡng trục xuất hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp Kaesong. 

MỚI - NÓNG