Triều Tiên có thể mời Trung Quốc vào khai thác đất hiếm

Cờ Trung Quốc và Triều Tiên được treo bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Cờ Trung Quốc và Triều Tiên được treo bên ngoài một nhà hàng Triều Tiên ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
TPO - Triều Tiên có kế hoạch sẽ mời Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên đất hiếm của họ để đối lấy khoản đầu tư vào nhà máy điện mặt trời nhằm giảm bớt tình trạng thiếu điện kinh niên ở quốc gia nghèo khó này, theo một bài viết đăng trang web của hiệp hội công nghiệp Trung Quốc hôm nay.

Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, cung cấp 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng và thiết bị quân sự, trong khi nước láng giềng Triều Tiên được cho là sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm đáng kể nhưng chưa được khai thác.

Ước tính chi phí xây dựng nhà máy điện mặt trời công suất 2,5 triệu kW điện mỗi ngày ở Triều  Tiên là 2,5 tỷ USD, bản tin đăng trên trang web của Hiệp hội công nghiệp đất hiếm Trung Quốc nói rằng phần thưởng cho khoản đầu tư của Trung Quốc có thể là quyền khai thác mỏ đất hiếm ở tỉnh Pyongan, nằm gần biên giới giữa hai nước.

Nguồn thông tin được dẫn trong bản tin là CBC, nhà cung cấp số liệu và giá cả công nghiệp. Một bản tin tương tự được trang tin khác đăng vào ngày 21/10.

“Đây là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc đầu tư vào Triều Tiên”, báo cáo của CBC dẫn lời một quan chức chính phủ Triều Tiên ở Shenyang.

Năm 2019 đánh dấu 70 năm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, quan chức này nói rằng đây là thời điểm “đàm phán dễ hơn với giới chức Trung Quốc.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ ngành đất hiếm Trung Quốc nói rằng thỏa thuận đó chỉ là mong muốn từ phía Triều Tiên và hoài nghi mức độ quan tâm của Trung Quốc đối với dự án trao đổi này.

“Đầu tư vào Triều Tiên không an toàn. Uy tín quốc tế của họ không cao và nhiều công ty không thực sự quan tâm”, nguồn tin giấu tên nói.

Chưa rõ một kế hoạch như vậy có vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc hay không.

Bộ Thương mại Trung Quốc chưa phản hồi đề nghị bình luận của Reuters về thông tin này.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG