Triều Tiên có thể tham khảo bài học hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ

GS. Carlyle Thayer, Đại học New South Wales (Úc)
GS. Carlyle Thayer, Đại học New South Wales (Úc)
TPO - Nhân dịp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và dự thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-28/2, phía Triều Tiên có thể tham khảo bài học hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ sau chiến tranh cũng như mô hình phát triển của Việt Nam, một số chuyên gia trong và ngoài nước nhận định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS. Carlyle Thayer, Đại học New South Wales (Úc), Triều Tiên có thể tham khảo bài học Việt Nam và Mỹ hàn gắn quan hệ sau chiến tranh, nhưng nếu có, thực tế sẽ diễn ra ở mức độ thấp vì Triều Tiên, Mỹ và các bên liên quan chưa ký kết hiệp ước hòa bình và Mỹ chưa rút hết quân khỏi Hàn Quốc như từng làm ở miền nam Việt Nam. Theo ông, Triều Tiên rất khó phi hạt nhân hóa trừ khi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.

Vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh

“Triều Tiên có thể tham khảo Việt Nam trong vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Làm điều này tốt sẽ dần dần góp phần dẫn tới cải thiện quan hệ trong các lĩnh vực khác và bình thường hóa quan hệ. Trong tương lai, có thể Triều Tiên chấp nhận thanh sát quốc tế, Mỹ trao đổi văn phòng liên lạc với Triều Tiên”, ông Thayer nhận định.

Triều Tiên cũng có thể tham khảo Việt Nam về việc xử lý các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế. Trước tiên, Triều Tiên nên cải thiện quan hệ chính trị với Mỹ vì quan hệ chính trị tốt hơn sẽ giúp cải thiện quan hệ kinh tế. “Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ nhượng bộ để được giảm bớt cấm vận, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách kinh tế theo hướng thị trường”, GS. Thayer nói.

Tuy nhiên, Triều Tiên và Việt Nam có 4 khác biệt lớn, ông Thayer nhận định.

Thứ nhất, chế độ Sài Gòn sụp đổ và Việt Nam thống nhất, đàm phán bình thường hóa quan hệ chỉ có giữa hai bên.

Thứ hai, an ninh của Việt Nam được bảo đảm, Việt Nam thắng cuộc chiến, không đối mặt nguy cơ quân sự hiện hữu, cả truyền thống và hạt nhân, từ phía Mỹ. Trong khi đó, Triều Tiên đối mặt một Hàn Quốc hùng mạnh được lực lượng quân sự đồn trú của Mỹ ủng hộ. Lực lượng này không chỉ có ở Hàn Quốc mà còn ở Nhật Bản và Guam. Triều Tiên còn đối mặt nguy cơ tấn công hạt nhân từ Mỹ.

Thứ ba, Việt-Mỹ hòa giải thành công một phần nhờ sự phân hóa trong xã hội Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Nhiều người dân và quan chức Mỹ yêu chuộng hòa bình.

Thứ tư, Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, quan hệ tốt với Trung Quốc, Liên Xô, sau này Nga, rồi Đông Âu, Ấn Độ, các nước ASEAN… “Trong khi đó, Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc - nước có lợi ích quốc gia trong việc ngăn chế độ Triều Tiên sụp đổ và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Mối quan hệ Trung-Triều rất khác mối quan hệ Việt-Xô”, GS. Thayer nhận xét.

Triều Tiên có thể tham khảo bài học hàn gắn quan hệ Việt-Mỹ ảnh 1 Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 6/2018 ở Singapore. Ảnh: Getty Images.

Mô hình cải cách thành công

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nói rằng, quan hệ Việt - Triều được coi là quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước đều nỗ lực duy trì và phát triển mỗi khi có cơ hội, “Việt Nam là một mô hình cải cách thành công từ điểm xuất phát có nhiều nét tương đồng với Triều Tiên hiện nay”.

Việt Nam từng có quan hệ thù địch với Mỹ và bị Mỹ thực hiện chính sách bao vây, cấm vận; là một nước xã hội chủ nghĩa từng có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và kém phát triển…Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam đã cải thiện quan hệ với Mỹ, thực hiện đường lối Đổi mới thành công, phát triển ngoại giao đa phương, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài…Sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Theo ông Thái, so với các nước khác, Việt Nam có mô hình phát triển gần gũi với Triều Tiên hơn cả, thể hiện qua nhiều chiến lược và chính sách phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng, mỗi nước đều có đặc điểm và hoàn cảnh riêng nên Triều Tiên sẽ không hoàn toàn sao chép mô hình phát triển của Việt Nam. “Họ có thể tham khảo, học hỏi Việt Nam với sự sáng tạo riêng của mình”, ông Thái nhận định.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.