Triều Tiên đoạn tuyệt với Trung Quốc?

Cảnh sát Trung Quốc xây tường rào gần cột mốc bê tông vẽ cờ Trung Quốc và Triều Tiên với dòng chữ “Biên giới Trung Quốc - Triều Tiên”. Ảnh: AP
Cảnh sát Trung Quốc xây tường rào gần cột mốc bê tông vẽ cờ Trung Quốc và Triều Tiên với dòng chữ “Biên giới Trung Quốc - Triều Tiên”. Ảnh: AP
TPO - CHDCND Triều Tiên gần đây ban hành một sắc lệnh nội bộ chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và “giấc mơ Trung Hoa”, tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Nhật Bản) dẫn nguồn từ một trang tin nổi tiếng của những người đào thoát Triều Tiên.

Đầu tháng này, tạp chí New Focus International nói rằng Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ban hành sắc lệnh hồi cuối tháng 4, yêu cầu các cán bộ nước này “từ bỏ giấc mộng Trung Hoa”. Nội dung của sắc lệnh nói rằng “Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày xưa là “bằng hữu cách mạng” của Triều Tiên, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “ích kỷ”, “theo đuổi cải cách và mở cửa” nên “đặt tiền lên trên ý thức hệ”, The Diplomat đưa tin.

Sắc lệnh còn lên án Trung Quốc “chung ước mơ với đế quốc”, bằng chứng là việc Trung Quốc phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên. New Focus International nói rằng, sắc lệnh yêu cầu các công ty thương mại Triều Tiên giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường thương mại với Nga và các nước châu Âu. Bài báo còn đề cập những sắc lệnh tương tự về việc giảm phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Những sắc lệnh này được lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong-il ban hành vào năm 2000 và 2002.

The Diplomat cho biết họ không thể thẩm tra độc lập bài viết này, nhưng New Focus International có rất nhiều nguồn tin nội bộ Triều Tiên. Đội ngũ New Focus International gồm những người vượt biên Triều Tiên thuộc mọi tầng lớp. Trang tin được thành lập và quản lý trực tiếp bởi ông Jang Jin-sung, cựu sĩ quan phản gián của Triều Tiên. Từng được “chấp nhận” dưới thời Chủ tịch Kim Jong-il, ông Jang gần đây xuất bản cuốn hồi ký gây xôn xao về thời gian còn làm việc dưới chính quyền Triều Tiên và cuộc đào tẩu liều lĩnh của mình. Nhiều biên tập viên cấp cao khác của trang tin này là cựu quan chức của Triều Tiên.

Theo The Diplomat, bài viết của New Focus International phù hợp với xu hướng trong quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc và Triều Tiên - Nga những tháng gần đây. Hồi tháng 3, Triều Tiên treo nhiều biển hiệu trước các học viện quân sự của nước này với nội dung lên án Trung Quốc là “kẻ bỏ đảng và kẻ thù của chúng ta”. 

Tương tự, ông Jang Song-thaek, chú rể của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, năm ngoái bị thanh trừng rồi nhanh chóng bị hành quyết. Nhân vật từng nắm quyền lực lớn thứ hai ở Triều Tiên được biết đến là người có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Một số tội danh mà ông Jang bị cáo buộc cho thấy quan hệ làm ăn với Trung Quốc là một phần lý do nhân vật này bị xử tử.

Nga thế chân

Theo The Diplomat, khi quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên xuống dốc, quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Mátxcơva có xu hướng đi lên từ năm ngoái. Đáng chú ý, hồi tháng 4, Nga đồng ý chính thức xóa 90% khoản nợ lớn của Triều Tiên từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời cho Triều Tiên trả 10% còn lại với kỳ hạn ưu đãi. 

Hơn nữa, chỉ vài ngày sau khi New Focus International đăng bài viết nói trên, Nga và Triều Tiên tổ chức phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Thương mại, Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật. Kết luận phiên họp, hai phía thông báo ký một số thỏa thuận. Nếu những thỏa thuận này được triển khai, thương mại song phương sẽ tăng lên đáng kể.

Đáng chú ý, bản tin Night Watch của hãng KGS (Mỹ) nói rằng, những chi tiết của thỏa thuận Nga - Triều Tiên rõ ràng cho thấy Nga đang thay thế vai trò của Trung Quốc ở Triều Tiên. 


Theo Night Watch (chuyên phân tích thông tin về các sự kiện ảnh hưởng lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ), điều “sốc nhất là những điều khoản thương mại và phát triển giống với những dự án mà ông Jang Song-thaek lên kế hoạch với các nhà đầu tư Trung Quốc. Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông của Nga Alexander Galushka cũng tiết lộ một số phần của thỏa thuận: “Chính phủ Triều Tiên đã cho phép thỏa thuận này dành riêng cho các doanh nghiệp Nga; các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, cũng chưa từng được hưởng ưu đãi như vậy”.

Theo The Diplomat
MỚI - NÓNG