Triều Tiên hàng hiệu và thiếu đói

Triều Tiên hàng hiệu và thiếu đói
Trong khi dọc các đường phố Bình Nhưỡng những tòa cao ốc mọc lên ngày càng nhiều với rượu ngoại, trái cây nhập khẩu đầy siêu thị, bên ngoài thành phố này là cả một thế giới hoàn toàn đối lập khi nạn đói là mối lo thường trực.

> Triều Tiên sắp tập trận, Hàn Quốc sẵn sàng chiến đấu

Những chiếc bánh gato kiểu phương Tây được bày bán ở Bình Nhưỡng
Những chiếc bánh gato kiểu phương Tây được bày bán ở Bình Nhưỡng.

Tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi từng nổi tiếng với bóng tối như được miêu tả trong các tác phẩm của Dickens giờ đây đường phố đã rực rỡ ánh đèn neon. Những công trình xây dựng mới tại trung tâm đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt tại thành phố này.

Bên trong các siêu thị, không khó để bắt gặp những cô gái diện các thương hiệu thời trang của Pháp, rượu nhập khẩu từ Italia, sô cô la Thụy Sỹ, trái kiwi nhập khẩu từ New Zealand hay những chiếc bánh sừng bò nóng hổi luôn có sẵn cho những khách hàng rủng rỉnh hầu bao. Họ cũng có thể đi mát-xa mặt, nằm tắm nắng, dạo quanh các sân golf mini hay nhâm nhi những li cà phê cappuchino.

Gần 2 triệu người Triều Tiên đang sử dụng điện thoại di động, các cửa hàng máy tính phải chạy đôn chạy đáo để đáp ứng nhu cầu đối với loại máy tính bảng Triều Tiên lắp ráp có thương hiệu “iPads”. Tại một cơ sở điều trị ung thư, một chiếc máy chụp X-quang mới nhập khẩu từ châu Âu có giá 900.000 USD vừa được ra mắt.

Bình Nhưỡng từ lâu là một thành phố hoàn toàn khác so với phần còn lại của Triều Tiên và thường được truyền thông nước này ca tụng là “tiên giới của chủ nghĩa xã hội”.

Một năm sau khi nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un cam kết công khai về việc chấm dứt “kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng” và những khó khăn về kinh tế tại Triều Tiên, khoảng cách giữa những người có của cải và không có gì ngày càng gia tăng theo sự chuyển mình của Bình Nhưỡng.

Đằng sau những đường phố khang trang của thủ đô, cuộc sống vẫn nghèo nàn thê thảm. Thực phẩm được cấp phát, điện là thứ hàng hóa quý giá còn người dân di chuyển chủ yếu bằng đi bộ, xe đạp, hoặc nhảy lên thùng các xe tải. Hầu hết các ngôi nhà không có nước máy. Dịch vụ y tế hoàn toàn miễn phí nhưng các nhân viên cứu trợ cho biết thuốc men khan hiếm.

Coca Cola và bánh snack Doritos

Suốt nhiều thập niên, Triều Tiên dường như là một đất nước bất động. Những con đường nhỏ bé run rẩy chạy qua các tòa nhà bê tông với những ô cửa sổ bị vỡ, nước sơn bong chóc và bậc thang xập xệ.

Những kể từ năm 2010, với chiến dịch xây dựng một thành phố mới cho nhà lãnh đạo mới, Bình Nhưỡng đã được “lột xác”. Bên ngoài các tòa nhà khắp thành phố, nhiều giàn giáo được dựng lên ở mặt trước.

Những khẩu hiệu kêu gọi làm việc không ngừng nghỉ, thần tốc bay phấp phới bên ngoài khung xương các tòa nhà được quân đội xây dựng. Những ngôi nhà cũ, túp lều lụp xụp bị kéo đổ để nhường chỗ cho trung tâm thương mại, nhà hàng và căn hộ chung cư.

Ngày nay, đường phố Bình Nhưỡng nhiều khu vực không mấy khác Seoul hay Thượng Hải. Thực tế, rất nhiều hàng hóa đang được bán tại siêu thị mới ở đây, như Coca-Cola hay bánh snack Doritos, được nhập từ Trung Quốc và Singapore.

“Đặc sản có nghĩa là gì?”, một người Triều Tiên hỏi một vị đầu bếp đội mũ bếp trưởng màu trắng vừa xẻ một lát cá ngừ để chuẩn bị cho món sashimi, với một nhãn ghi “đặc sản” bằng tiếng Anh ở bên trên. Ở tầng trên, một nhân viên quầy rượu đang phục vụ món espressos của Italia còn các thợ làm bánh thì nướng món bánh mỳ que kiểu Pháp.

Một góc đường phố Bình Nhưỡng trong đêm
Một góc đường phố Bình Nhưỡng trong đêm.

Thói quen cũ khó bỏ

Một cư dân mới trên phố Changjon, Mun Kang-sun, đã mời phóng viên AP đi một vòng quanh căn hộ mà bà và chồng đã được tặng để ghi nhận thành tích lao động xuất sắc tại xưởng may Kim Jong Suk.

Bên trên một chiếc giường phong cách Tây là một tấm ảnh cưới được đặt trong khung trang trọng. Trong phòng tắm có một chiếc máy giặt, một chiếc máy tính IBM trong phòng học cùng một chiếc TV 42 inch màn ảnh rộng.

Từng là trẻ mồ côi, bà Mun cho biết mình bắt đầu làm việc tại các nhà máy từ lúc 16 tuổi. Bà đã giành được danh hiệu “anh hùng nhân dân” sau khi vượt chỉ tiêu năng suất tới 200% trong suốt 13 năm. Bà cho biết để được vậy, bà đã phải chạy khắp nhà xưởng để vận hành cùng lúc 4-5 chiếc máy.

“Khi nghe tin mình sẽ có một căn hộ mới để nghỉ ngơi chúng tôi đã nhận chìa khóa để đi ngắm và hoàn toàn bị sốc bởi căn nhà quá đẹp”, ông Kim Hyok, chồng bà Mun nói. “Đến giờ tôi vẫn không tin đây là nhà mình. Chúng tôi vẫn có cảm giác như đang ở trong khách sạn”.

Mặc dù căn hộ đã có vòi nước, những thói quen cũ vẫn còn đó. Bồn tắm vẫn được tích đầy nước, một chiếc gáo nổi bồng bềnh bên trong, giống như những gia đình khác ở bên ngoài Bình Nhưỡng, nơi nước thường được bơm lên từ giếng và được xách về bằng tay, dùng tiết kiệm.

Tại những nơi khác trong thành phố, các tòa nhà cũ đang được nâng cấp. Nhưng hầu hết vẫn còn dở dang, tường được cách âm kém, ngay cả ở trung tâm. Thang máy và hệ thống sưởi vẫn hiếm thấy. Người Triều Tiên vẫn quen mặc áo jacket và đồ giữ ấm bên trong khi vào các tháng mùa Đông.

Điện đã ít bị cắt hơn tại Bình Nhưỡng kể từ khi một nhà máy thủy điện tại phía Đông Bắc được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên việc đèn phụt tắt giữa bữa tối thì cũng không phải hiếm. Nhưng hầu hết mọi người vẫn tiếp tục ăn và uống như bình thường.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.