Triều Tiên mạnh hơn lên về vũ khí hạt nhân

Tên lửa đạn đạo Pukguksong phóng từ tàu ngầm được giới thiệu trong lễ duyệt binh ngày 15/4 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.
Tên lửa đạn đạo Pukguksong phóng từ tàu ngầm được giới thiệu trong lễ duyệt binh ngày 15/4 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.
TP - Hôm qua, Triều Tiên tổ chức diễu binh hoành tráng để kỷ niệm 105 ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, phô bày nhiều loại tên lửa tân tiến trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, Triều Tiên không thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo như nhiều người dự đoán.

Triều Tiên giới thiệu hai loại tên lửa mới nhất của nước này tại Quảng trường Kim Nhật Thành, bao gồm loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và từ đất liền, báo Mỹ Washington Post đưa tin. Trước đó, cả hai loại này đã được phóng thử. “Triều Tiên đang cố gửi đi tín hiệu rằng, họ đang đạt được tiến triển với tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn”, bà Melissa Hanham, chuyên gia tại Trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân (Mỹ), nhận định.

Ưu điểm của nhiên liệu rắn

Triều Tiên đang phát triển nhiên liệu rắn để giúp tên lửa sẵn sàng được phóng đi, không cần nạp chất đẩy giống tên lửa dùng nhiên liệu lỏng. Tên lửa dùng nhiên liệu rắn được phóng đi nhanh hơn và không bị vệ tinh phát hiện. Các nhà phân tích đang xác định tất cả các loại tên lửa được phô diễn trong lễ diễu binh ngày 15/4. Nhiều loại tên lửa dường như được sơn mới hoặc là biến thể của các loại tên lửa cũ. Một loại tên lửa trông giống như tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 và Triều Tiên giới thiệu trong các đợt diễu binh trước. Loại tên lửa này có tầm bắn (theo lý thuyết) khoảng 12.100km, đủ xa để bay tới bất kỳ vùng nào của Mỹ, Joshua Pollack, biên tập viên của tạp chí Mỹ Nonproliferation Review (chuyên về vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học).

Triều Tiên cũng đặt hai ống đựng tên lửa đạn đạo liên lục địa lên hai chiếc xe tải trước đây từng chở tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ống đựng có nhiệm vụ bảo vệ tên lửa nhiên liệu rắn khỏi tác động của môi trường. Một loại có thể là tên lửa KN-14 và một loại có khả năng bay tới phần đất liền của Mỹ, dù nó có tầm bắn ngắn hơn một chút. Theo giới quan sát, hai xe tải chở ống đựng tên lửa là xe tải Trung Quốc và từng xuất hiện trong các lễ diễu binh của Triều Tiên.

Bà Melissa Hanham cho rằng, cuộc phô diễn vũ khí hôm thứ Bảy rất đáng lo ngại. “Hiện giờ, Triều Tiên đã có hệ thống xe tăng nội địa. Họ có nhiều bệ phóng hơn. Họ có nhiên liệu rắn mà điều này có nghĩa rằng họ có thể nhanh chóng phóng thêm nhiều tên lửa một cách liên tục, không phải tái nạp nhiên liệu”, bà nói. Thông điệp chung mà Triều Tiên gửi đến thế giới là nước này đang đẩy mạnh phát triển tên lửa và đạt được nhiều tiến bộ về công nghệ.

Đợt diễu binh của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh thế giới bên ngoài đang lo ngại về động thái sắp tới của nước này. Nhiều nước, nhiều người lo ngại rằng, sẽ có hành động quân sự trong khu vực. Mỹ mới đây điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực bán đảo Triều Tiên.

Ngày 16/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của ông. Ông Pence sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh mạnh mẽ giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông cũng sẽ khẳng định quyết tâm của Washington trong việc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc hôm qua thúc giục Mỹ và Triều Tiên không mạt sát, kết tội nhau quá mức, không để chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Tình hình nguy hiểm hơn trước

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump miêu tả tình hình là nguy hiểm hơn trước vì Triều Tiên đã đạt được tiến triển trong các chương trình hạt nhân và tên lửa, vì Mỹ và Triều Tiên đều tỏ ra thù địch với nhau. Nhưng các quan chức Mỹ nói rằng, Mỹ chưa quyết định về cách thức phản ứng nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo. Giới chức Lầu Năm Góc phủ nhận các bài báo gần đây cho rằng, chính quyền Donald Trump sẵn sàng tấn công phủ đầu nếu Triều Tiên có dấu hiệu sắp sửa thử nghiệm hạt nhân.

Hôm thứ Sáu, Triều Tiên cáo buộc Tổng thống Trump “gây rắc rối” khi đăng các nội dung “hung hăng” trên Twitter. Một thứ trưởng ngoại giao của Triều Tiên nói rằng, ông Trump đang trở nên “xấu xa và hung hăng” hơn các đời tổng thống trước của Mỹ và điều đó chỉ khiến các vấn đề thêm tồi tệ. “Ông Trump luôn gây hấn với những lời lẽ hung hăng… Không phải Triều Tiên mà là Mỹ và ông Trump gây ra rắc rối”, Thứ trưởng Ngoại giao Han Song Ryol trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại Bình Nhưỡng. Ông Han cũng nhắc lại lập trường chung của Triều Tiên là nước này sẵn sàng hành động để tự vệ. “Chúng tôi đã có sẵn lực lượng răn đe hạt nhân hùng mạnh trong tay. Chúng tôi chắc chắn sẽ không khoanh tay khi đối mặt với đòn tấn công phủ đầu của Mỹ”, ông Han nói. Trong khi đó, quân đội Triều Tiên đe dọa hủy diệt các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và phủ tổng thống ở Seoul để đáp trả “sự khiêu khích quân sự điên rồ” của ông Trump.

Theo các nhà phân tích, so với người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Trump đang có cách tiếp cận khác biệt đối với vấn đề Triều Tiên. “Nên nhớ rằng, có sự khác biệt về tính cách giữa ông Trump và ông Obama. Ông Trump sẵn sàng thể hiện ông ấy khác biệt. Không kích Syria giúp ông ấy thể hiện điều đó”, báo Trung Quốc Global Times viết. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ chưa “làm cách mạng” vì mới chỉ ra lệnh phóng tên lửa, chưa điều bộ binh, Global Times viết. Triều Tiên cũng có thể chứng tỏ sự khác biệt nếu nước này phớt lờ cảnh báo của ông Trump và tiếp tục thử hạt nhân. “Ông Trump mới nhậm chức. Nếu để thua Bình Nhưỡng, ông Trump sẽ cảm thấy mình bị mất một chút uy tín”, báo Trung Quốc viết.

MỚI - NÓNG