Triều Tiên trông sang điện Kremlin

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp gỡ ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Bình Nhưỡng tháng 5/2018 Ảnh: TASS/GettyImages
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp gỡ ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Bình Nhưỡng tháng 5/2018 Ảnh: TASS/GettyImages
TP - Một quan chức cấp cao Nga vừa tới Triều Tiên, báo chí của Bình Nhưỡng đưa tin hôm qua giữa lúc có những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang chuẩn bị thăm quốc gia láng giềng, lần đầu tiên có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Vladimir Kolokoltsev, bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nga đã tới hôm thứ Hai, hãng tin chính thức của Triều Tiên KCNA nói. Hãng tin này không cho biết thêm lý do và thời gian ông Kolokoltsev sẽ lưu lại Bình Nhưỡng trong bao lâu.

Chuyến thăm của một quan chức phụ trách các vấn đề an ninh của Nga diễn ra trong lúc có đồn đoán ông Kim chuẩn bị thăm Nga. Một số người cho rằng chuyến đi sẽ diễn ra trong tháng Tư này.

Trước đó, ông Kim Chang-son, người được biết tới với vai trò chánh văn phòng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã tới thăm Moscow và Vladivostok, làm dấy lên các đồn đoán rằng chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên sắp diễn ra.

Ông Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc 4 lần kể từ năm ngoái đến nay và cuộc gặp mới nhất với Chủ tịch Trung Quốc  Tập Cận Bình diễn ra hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, kể từ khi trở thành lãnh đạo cao  nhất của Triều Tiên cuối năm 2011 đến nay, ông Kim chưa từng thăm Nga.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên có vẻ đang tăng cường quan hệ ngoại giao với Nga kể từ khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội không mang lại kết quả gì. Tháng trước, ba quan chức Triều Tiên đã liên tiếp tới Nga.

Hôm 29/1, tờ Washington Post của Mỹ trích lời hai quan chức Mỹ giấu tên nói rằng chính phủ Nga trong năm 2018 được cho là đã bí mật đề nghị xây cho Triều Tiên một nhà máy điện hạt nhân để đổi lại, Bình Nhưỡng tháo dỡ và phá hủy các cơ sở vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, đặc phái viên Nga về vấn đề Triều Tiên đã bác bỏ thông tin này.

Tạp chí National Interest của Mỹ trích báo cáo của tổ chức Stratfor chuyên thông tin về tình báo địa chính trị cho rằng Nga muốn khẳng định vai trò của họ trong tiến trình đàm phán hạt nhân Triều Tiên.

Vì sao lại là Nga?

Tiến trình ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên bắt đầu trong năm 2018 trở nên mong manh sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội. Theo chuyên gia, thêm một hành động sai lầm từ bất cứ phía nào cũng có thể làm đổ bể mọi chuyện, kéo theo đó là giấc mơ liên Triều của Tổng thống Moon Jae-in.

Đã có một số nhà quan sát nhìn nhận rằng có thể ông Kim Jong-un, sau sự kiện thượng đỉnh ở Hà Nội, có thể phải chọn “một hướng đi mới” như ông đã từng nói trong bài phát biểu nhân dịp đầu năm mới. Một số người hiểu “hướng đi mới” có thể là quay lại cái cũ, tức là thử tên lửa, là gây hấn…

Nhưng một số người khác lại hiểu “hướng mới” là thứ khác, là một sự chuyển hướng địa chính trị.

Theo nhà phân tích địa chính trị Ankit Panda viết trên SCMP, điều đáng kể sau thượng đỉnh Hà Nội là  báo chí Triều Tiên thường xuyên đưa tin về các sự kiện công khai, các cuộc đàm phán với Nga. “Nga là nước láng giềng của CHDCND Triều Tiên và quan hệ CHDCND Triều Tiên-Nga là quan hệ hữu nghị với chiều dài lịch sử”, KCNA viết trong một bài báo gần đây.

Ông Panda cho rằng “ông Kim Jong-un, không nghi ngờ gì nữa, đã nhận thấy sự khác biệt địa chính trị giữa Nga với phương Tây” là một cơ hội cho Bình Nhưỡng.

Riêng trong tháng Ba, báo chí Triều Tiên đưa tin về ba sự kiện chính có sự tham dự của phía Nga.

Thậm chí mùa thu năm ngoái, trong dịp Triều Tiên kỷ niệm 70 năm thành lập, hình ảnh đặc phái viên Nga Valentina Matvienko được tờ báo chính thức của Triều Tiên Rodong Sinmun đưa lên trang bìa, trong khi đặc phái viên Trung Quốc Lật Chiến Thư xuất hiện ở trang 4.

“Trong bối cảnh ấy, và đặc biệt với kết quả của thượng đỉnh Hà Nội, chúng ta không cần phải ngạc nhiên nếu Triều Tiên chú ý đến những cơ hội mà có thể Nga nếu ra”, ông Panda viết. “Rõ ràng nếu ông Kim đang muốn thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với Nga, tất cả là vì Mỹ”. 

MỚI - NÓNG