Trong vùng thảm họa

70% nhà cửa ở Rikuzentakata bị cuốn trôi Ảnh chụp ngày 17-3
70% nhà cửa ở Rikuzentakata bị cuốn trôi Ảnh chụp ngày 17-3
TP - Nữ y tá, tác giả nhật ký từ chối đăng ảnh chân dung kèm thông tin cá nhân. Chị nói: “Một lần nữa xin cám ơn tất cả các bạn. Hãy dành sự quan tâm của các bạn cho những nạn nhân của thảm họa. Họ còn phải đối mặt khó khăn lâu dài”.

> Nhật đưa ra tình huống xấu nhất về hạt nhân Fukushima 1

Nhật ký của nữ y tá công tác tại Tokyo, chủ nhân blog JKTS đang khiến hàng ngàn trái tim rung lên xúc động. Chị là thành viên của một trong những đội cứu trợ y tế đặc biệt đầu tiên được cử đến Rikuzentakata, Iwate (Nhật Bản), nơi bị thiệt hại nặng nề nhất của trận động đất sóng thần.

Bài 1: Đội cứu trợ y tế khẩn cấp

Những dòng tâm sự này xin được dành cho tất cả những người trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp và những người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi thiên tai gây ra theo nhiều cách. Tôi mong rằng các bạn có thể quay lại cuộc sống thường nhật càng sớm càng tốt. Từ đáy lòng mình, tôi nguyện cầu cho những người đã mất được yên nghỉ.

Đó là lý do tôi quyết định viết lại blog sau thời gian lãng quên.

70% nhà cửa ở Rikuzentakata bị cuốn trôi Ảnh chụp ngày 17-3
70% nhà cửa ở Rikuzentakata bị cuốn trôi. Ảnh chụp ngày 17-3.

Không được khóc

Ngày 15 tháng 3, một đội y tế hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gồm nhiều y bác sĩ được thành lập khẩn cấp tại bệnh viện nơi tôi làm việc ở Tokyo.

Tôi nằm trong nhóm hỗ trợ khẩn cấp được cử đến khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hậu quả của thiên tai càng lúc càng trở nên khủng khiếp. Và khi chứng kiến rất nhiều người khóc, tuyệt vọng, tôi suy nghĩ kể từ ngày trận động đất về những gì tôi có thể làm và nên làm ngay. Với nghề nghiệp của mình, tôi cảm nhận một cách chắc chắn rằng có thể làm nhiều việc để giúp đỡ mọi người. Cơ hội chính là lúc này đây.

Trước khi khởi hành, chúng tôi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp và nhận được các tài liệu. Chúng tôi được thông báo không cần phải mang ví và tiền bạc khi đóng gói hành lý đến vùng thảm hoạ. Chúng tôi có thể phải nhịn ăn, thiếu ngủ. Những ưu tiên cao nhất được dành cho các nạn nhân.

Một lãnh đạo từ một bệnh viện khác có nhiệm vụ giám sát chúng tôi nói, chúng tôi sẽ là những y tá toàn quyền hướng dẫn tại khu vực cứu trợ.

“Tình hình tệ hại đến mức ngoài sức tưởng tượng của bạn. Nếu bất kỳ ai đăng ký với thái độ lạc quan hoặc tinh thần tình nguyện viên thì hãy rời đội ngay lúc này. Cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, KHÔNG - ĐƯỢC - KHÓC (ông nhấn mạnh từng từ DO NOT CRY- tác giả). Chúng ta ở đó không phải để biểu lộ sự cảm thông mà để hỗ trợ, cung cấp về thuốc men và y tế. Nếu bạn muốn khóc thì hãy nghĩ rằng người dân ở đó còn muốn khóc hơn bạn ngàn lần”, vị lãnh đạo đó nói.

Những giọt nước mắt của đội ngũ y tế giàu có từ Tokyo sẽ chỉ làm cho những người đang mất mát trong tang thương khó chịu, thậm chí là xúc phạm họ. Càng đau thương càng không được rơi lệ mà phải bên nhau cùng đứng dậy.

Một y tá công tác cùng bệnh viện với tôi, người luôn trau chuốt ăn mặc đẹp, trang điểm kỹ lưỡng có tiếng được gọi tên để nhắc nhở: “Đừng bao giờ nghĩ đến việc mặc đẹp hay trang điểm ở đó!”.

Lực đẩy

Sau cuộc họp, tôi trở về nhà và gửi e-mail cho bạn bè để giải tỏa lo lắng và thông báo về việc đi đến vùng bị ảnh hưởng, tìm kiếm sự chia sẻ nhằm củng cố thêm quyết tâm. Từ lúc đó, tôi tự ép mình ăn hai bữa bằng toàn bộ mì tsuke – loại mỳ khô cứng, lạnh, được ví như người đàn ông, bởi vì tôi (có lẽ) sẽ không được ăn bất cứ thứ gì ấm, nóng trong một thời cứu trợ.

Nhà cha mẹ tôi cũng bị thiệt hại sau trận động đất. Tôi muốn đi kiểm tra tình hình nhưng các đoàn tàu ngừng hoạt động và tôi không thể về nhà. Tôi gọi mẹ.

Bà nói: “Cả gia đình vẫn ổn con ạ. Con gái, hãy đi và giúp đỡ tất cả những người đang thực sự gặp khó khăn, mất mát”.

Lời mẹ khiến lòng tôi bình tâm và mạnh mẽ hơn.

Ấy thế mà vào đêm trước khi khởi hành, tôi kiểm tra nhiều lần hành lý của tôi và không thể ngủ nổi với suy nghĩ về những gì sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Đã lâu tôi không vào blog nhưng tôi quyết định viết trở lại bởi nghĩ rằng nếu tôi có thể cung cấp trợ giúp y tế, tôi cũng rất muốn kể với mọi người về những gì tôi đã thấy và cảm nhận. Điều này không xuất hiện trên báo chí như tôi vẫn đọc. Cứ cuối ngày, tôi ghi chép trong điện thoại di động. Tôi lưu giữ cẩn thận để đợi ngày trở lại Tokyo và đưa nó lên blog.

Tôi đối mặt với quá nhiều thứ thật khó có từ ngữ nào miêu tả được. Nên những gì tôi viết ra khó đạt được hiệu quả mong đợi, nhưng không vấn đề gì.

Ngày 16 tháng 3.

Tôi được nói về nơi tôi sắp đến:

- Bạn sẽ được gửi đến Rikuzentakata.

Tôi được chỉ định tham gia nhóm y tế đến Rikuzentakata ở Iwate Prefecture, nơi thiệt hại thực sự nghiêm trọng. Chúng tôi đến đó bằng máy bay. Các y tá khác từ bệnh viện được gửi tới Fukushima và Miyagi trong những nhóm khác nhau.

Mỗi nhóm được mang theo một số thuốc truyền tĩnh mạch, thuốc men, bông băng, giấy ướt, tã giấy, tấm lót, gạc, mặt nạ... với hàng chục ngàn gói, hộp mỗi loại từ các bệnh viện ở Tokyo, vận chuyển bằng nhiều phương tiện.

Hàng chục ngàn thứ trong đó chúng tôi không biết chúng ăn nhập được với nhau hay không.

Chúng tôi sẽ không mặc áo khoác trắng blu thông thường mà được trang bị áo khoác thấm mồ hôi, một loại đồng phục có in chữ Y TÁ/Kangoshi.

Sợ hãi

Nhìn mặt đất từ máy bay, tôi đoán rằng đã đi qua Tochigi. Khi ở trên bầu trời vùng Fukushima, tôi có thể thấy nhiều nhà cửa hơn và cả thị xã với những ngôi nhà bị tốc mái. Tôi cũng thấy các nhà máy điện hạt nhân nữa. Các bác sĩ hàng đầu nói: “Nếu cô quan sát kỹ sẽ thấy dường như cả thị trấn Sendai ở trên biển”.

Khi chúng tôi quan sát kỹ lưỡng hơn, cập nhật thêm nhiều thông tin về tình hình ở Sendai, toàn bộ máy bay dần dần trở nên im lặng. Không dám nhìn thẳng vào mắt nhau nữa…

Cuối cùng, chúng tôi nhìn thấy cảnh quan khu vực Sanriku ở Iwate. Lúc ấy chân tôi như muốn quỵ xuống. Cả vùng bị thiêu cháy, đang vỡ vụn ra rồi chìm xuống nước.

Lúc đó, như thể tôi đang đứng trên lãnh thổ nước khác và nghĩ về thảm họa của một nơi nào đấy, vấn đề nghiêm trọng này là của người khác. Nhưng tôi chợt tỉnh: “Đây vẫn là Nhật Bản, thậm chí không xa Tokyo”. Và cảm thấy thật sự sợ hãi về nơi tôi đang đến. Cũng lúc ấy, tôi trở nên lo lắng tột độ khi nhận thấy mọi người trong nhóm cũng rất sợ hãi theo các cách khác nhau.

Nhưng rồi, mỗi ngày trôi qua đầy rẫy khó khăn đến mức không có thời gian để sợ hãi, lo lắng nữa.

* Rikuzentakata là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Theo thống kê ngày 9 - 4 trên báo Nikkei, trung tâm thành phố bị phá hủy hoàn toàn. 70% nhà cửa bị cuốn trôi, 1.211 người chết, 1.183 người mất tích và 16.579 người đang sống tị nạn trên tổng số khoảng 32.000 dân. 

* Thông tin từ dịch giả tiếng Anh đưa lên Blog ngày 7 – 4: Trong khi tôi nói cả tiếng Anh và tiếng Nhật lưu loát, tôi lại không biết gì về thuốc thang. Đây là bản dịch nhanh, có phần chưa lưu loát bởi tôi vừa dịch vừa khóc. Hãy cảm thông cho tôi vì điều đó.

Còn nữa

Phương Hiếu
Dịch từ blog JKTS

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.