Trực thăng Mỹ lần đầu nã tên lửa vào hang ổ IS

Quân đội Mỹ ở Iraq vừa leo thang chiến dịch tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng các cuộc không kích đầu tiên do trực thăng tấn công hiện đại Apache thực hiện.
Trực thăng Mỹ lần đầu nã tên lửa vào hang ổ IS ảnh 1

Một trực thăng Apache của quân đội Mỹ tại Iraq. Ảnh minh họa: Wikipedia

Theo Reuters, các trực thăng tấn công tầm thấp, được trang bị tên lửa chống tăng Hellfire và pháo bắn đạn nhanh, đã đánh vào các mục tiêu ở thành phố Fallujah, phía tây Baghdad. 

Loại trực thăng này được gửi đến Baghdad hồi tháng 7 nhưng chính quyền Mỹ lúc đó khẳng định nó chỉ có vai trò "bảo vệ" cho sứ quán Mỹ cùng các cố vấn ở sân bay quốc tế tại thành phố. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho hay Apache đã được triển khai vào cuối tuần qua và cùng các máy bay khác tiêu diệt nhiều đơn vị của IS.

"Đây là lần đầu tiên máy bay cánh xoay được sử dụng để phối hợp và hỗ trợ cho các chiến dịch của ISF (Lực lượng An ninh Iraq)", thiếu tá Curtis Kellogg cho biết. "Chính quyền Iraq yêu cầu hỗ trợ gần Fallujah để đẩy lùi IS".

Các nhà phân tích nhận định chiến dịch không kích của Mỹ dường như đang gặp thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tiến công của các phiến quân và sự góp mặt của Apache đánh dấu một bước leo thang quan trọng trong cuộc chiến chống lại IS.

Ông Christopher Harmer, một cựu phi công hải quân Mỹ, hiện là chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho hay, các trực thăng sẽ hỗ trợ bộ binh Iraq đang trực tiếp đối đầu với phiến quân một cách hiệu quả hơn. Vì bay thấp và chậm nên chúng có thể xác định được các mục tiêu cá nhân. Tuy nhiên, nguy cơ mà chúng phải đối mặt cũng lớn hơn.

"Máy bay cánh cố định bay ở 30.000 feet (9.000 m) hoàn toàn tránh được các loại vũ khí mà Nhà nước Hồi giáo có, nhưng trực thăng thì không", ông Harmer nói. "Khi điều khiển một trực thăng ở độ cao 150 feet (50 m) so với mặt đất, trực thăng có thể bị bắn hạ bởi một lựu pháo tự hành hoặc súng máy hạng nặng, vì thế nguy hiểm hơn rất nhiều".

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Steve Warren khẳng định việc triển khai trực thăng là dựa trên bản chất của các mục tiêu và quân đội đã cân nhắc về các mối nguy cơ trước khi đưa ra quyết định này.

Ông bác bỏ quan điểm cho rằng việc dùng trực thăng đồng nghĩa với leo thang chiến dịch. "Nhiệm vụ vẫn như thế. Đây là sự sử dụng đúng công cụ cho công việc", ông nói.

IS đang siết chặt vòng vây ở thị trấn trọng yếu Kobani, sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, lá cờ đen, biểu tượng của nhóm này, được kéo lên ở vùng ngoại ô phía tây thị trấn, trong khi các chiến binh người Kurd và phiến quân cực đoan đối đầu ác liệt trên các đường phố, giữa những tòa nhà. Hàng nghìn người Kurd phải tiếp tục chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn.

Theo Anh Ngọc

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG