Trùm ma túy khét tiếng Khun Sa qua đời

Trùm ma túy khét tiếng Khun Sa qua đời
TP -  Khun Sa - trùm ma túy vùng Tam Giác Vàng khét tiếng một thời và luôn đứng số một trong danh sách truy nã toàn cầu đã qua đời, thọ 74 tuổi.
Trùm ma túy khét tiếng Khun Sa qua đời ảnh 1
Trùm ma túy thế giới Khun Sa hồi năm 1995 tại tổng hành dinh Homong ở Tam Giác Vàng. Ảnh: AP

Ông Khuensai Jaiyen - một cựu thư ký riêng của Khun Sa làm việc cho nhóm du kích dân tộc Shan thiểu số ở Myanmar được người nhà ông Khun Sa cho biết, ông trùm ma túy nói trên đã chết tại Yangon, Myanmar.

Biệt danh “Hoàng tử Chết”

Nguyên nhân chết của ông Khun Sa không được công bố nhưng trùm ma túy này đã mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và liệt nửa người từ lâu.

Một quan chức Myanmar tại Yangon cũng xác nhận tin trùm ma túy Khun Sa qua đời và thi thể của nhân vật khét tiếng này đã được hỏa táng hồi sáng 30/10 tại nghĩa trang Yay Way ở ngoại ô Yangon.

Trong gần nửa thế kỷ, Khun Sa cùng các vây cánh của ông ta tổ chức chiến tranh du kích chống lại chính phủ trung ương Myamar, đòi quyền tự quyết và lập khu tự trị cho người dân tộc Shan thiểu số tại vùng núi Tam Giác Vàng.

Khun San khét tiếng tàn bạo và liều lĩnh trong nghề sản xuất, buôn bán ma túy đến mức, giới buôn bán ma túy cộm cán trên thế giới đặt cho Khun San biệt danh “Hoàng tử Chết”. Chính phủ Mỹ từng treo giải thưởng 2 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt được Khun Sa.

Có lần, Khun Sa tổ chức họp báo tại căn cứ bí mật của ông ta ở trong rừng để nói rằng: “Người ta bảo tôi có sừng và có răng nanh. Nhưng trên thực tế tôi chỉ là một ông vua không có vương miện”.

Vương quốc ma túy

Tại thời điểm Khun Sa được coi là khét tiếng nhất, trùm ma túy này cai quản cả một vương quốc ma túy có tên gọi Ho Mong ở vùng Tam Giác Vàng biên giới ba nước Lào - Thái Lan - Myanmar.

Tại đây, Khun Sa có truyền hình vệ tinh, trường học, quân đội của Khun Sa được trang bị tên lửa phòng không, và nhiều cơ sở sản xuất đủ loại ma túy. Muốn lên vương quốc ma túy này, phải đi bằng cách cưỡi lừa đi đường núi hiểm trở mất ít nhất 11 tiếng đồng hồ.

Khun Sa thích được các nhà báo gọi mình là giải phóng quân đấu tranh cho quyền tự trị của dân tộc Shan thiểu số ở Myanmar. Chức danh Khun Sa thích được gọi là chỉ huy trưởng Quân đội Thống nhất dân tộc Shan sau này được đổi tên thành Quân đội Mong Tai thuộc bang Shan ở vùng đông bắc Myanmar.

Khun Sa nghiện hút, thích trồng hoa phong lan và dâu tây. Khách của Khun Sa đến thăm vương quốc ma túy được xem biểu diễn nhạc Pop Đài Loan.

Kẻ thất học trở thành trùm ma túy khét tiếng

Từ năm 1996, Khun Sa ra đầu thú và qui hàng Chính phủ Myanmar để được tổ chức kinh doanh ở Yangon. Khun Sa sinh ngày 17/2/1933 trong một gia đình bố là người Trung Quốc, mẹ là người Shan thuộc Myanmar.

Khun Sa không được học hành đến nơi đến chốn, những mánh nghề chém giết và sản xuất, buôn bán ma túy, hắn chủ yếu học được từ những tàn quân Quốc dân Đảng từ Trung Quốc chạy trốn Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, sang miền núi biên giới thuộc lãnh thổ Myanmar.

Những năm đầu thập kỷ 1960, Khun Sa đổi tên thành Chang Chi-fu, một nhân vật nổi tiếng ở vùng Tam Giác Vàng về sự tàn bạo và sản xuất, cung cấp, buôn bán thuốc phiện, heroin trong giới buôn bán ma tuý.

Năm 1967, Khun Sa suýt mất mạng trong cuộc chiến tranh thuốc phiện giữa lực lượng của Khun Sa với tàn quân Quốc dân đảng ở Lào. Cuộc chiến này tàn khốc và kéo dài đến mức, Chính phủ Lào khi đó đã phải cho máy bay đến ném bom vào cả hai bên tham chiến mới dẹp được sự giao tranh trong giới buôn bán ma túy.

Có một thời gian ngắn, Khun Sa làm việc cho quân đội Chính phủ Myanmar nhưng sau đó, ông ta bí mật tổ chức lực lượng đấu tranh cho quyền tự trị của dân tộc Shan nên bị phạt tù giam.

Sau khi ngồi bóc lịch được 5 năm, Khun Sa được Chính phủ Myanmar trả lại tự do để đổi lấy việc phóng thích 2 chuyên gia Nga bị tay chân của Khun Sa bắt cóc. Sau khi ra tù, Khun Sa tới thung lũng Ho Mong xây dựng vương quốc ma túy của mình.

Từ đây, Khun Sa điều hành mạng lưới cung cấp heroin đi khắp thế giới. Mỹ từng ước tính khoảng 60% lượng heroin thâm nhập vào Hoa Kỳ từ mạng lưới của Khun Sa.

Bản thân Khun Sa thừa nhận có tham gia sản xuất, buôn bán heroin nhưng nói rằng, việc sản xuất và buôn bán ma túy này chỉ nhằm gây quĩ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân tộc Shan thiểu số.

Khun Sa từng tuyên bố: “Người dân của chúng tôi trồng thuốc phiện không phải để chơi mà là để đổi lấy cái ăn, cái mặc. Khun Sa từng nhiều lần gửi thông điệp cho nhiều đời tổng thống Mỹ nói rằng, ông ta sẵn sàng bán cho Washington toàn bộ sản lượng thuốc phiện của một vụ để lấy tiền tài trợ cho các chương trình phát triển của người dân tộc Shan ở Myanmar.

Truy nã toàn cầu

Năm 1989, Khun Sa bị một tòa án ở New York kết án vắng mặt vì tội buôn bán heroin vào Hoa Kỳ. Phía Mỹ đồng thời phát lệnh truy nã toàn cầu đối với Khun Sa.

Mặc dù vậy, tại vùng Tam Giác Vàng, Khun Sa vẫn tiếp tục tổ chức quân đội Mong Tai có số quân khoảng 10.000 người, để chống lại chính phủ trung ương Myanma và các băng đảng phe nhóm mafia khác. Mãi đến năm 1996, Khun Sa tự ra đầu thú và qui hàng Yangon sau khi Chính phủ Myanmar tuyên bố sẽ ân xá cho Khun Sa nếu ông ta ra đầu hàng nếu không sẽ tìm cách bắt bằng được trùm ma túy này để treo cổ. Toàn bộ đội quân Mong Tai của Khun Sa tan rã.

Sau khi ra đầu hàng, Khun Sa được sống tại một biệt thự sang trọng ở thủ đô Yangon. Chính phủ Myanmar cho phép Khun Sa tổ chức một công ty vận tải và một công ty khai mỏ đá rubi cùng nhiều nghề kinh doanh khác. Trong thời gian này cho đến khi Khun Sa qua đời, người ta đồn đại rằng Khun Sa vẫn bí mật dính líu đến việc buôn bán ma túy.

Nguyễn Đại Phượng
Tổng hợp

MỚI - NÓNG