Trùm tình báo Afghanistan bị ám sát chết

Trùm tình báo Afghanistan bị ám sát chết
TP - Ngày 2/9, Phó Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Afghanistan phụ trách công tác tình báo, ông Abdullah Laghmani thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết nhằm vào ông, xảy ra ở một nhà thờ Hồi giáo cách Kabul khoảng 100 km về phía đông.
Trùm tình báo Afghanistan bị ám sát chết ảnh 1
Trùm tình báo Afghanistan Abdullah Laghmani - Ảnh: Sueddeutsche.de

Hãng AP cho biết, ngoài ông Abdullah Laghmani, còn có 22 người khác chết trong vụ đánh bom này, trong đó có cả hai quan chức cao cấp địa phương.

Vụ ám sát nhằm thẳng vào quan chức cao cấp nhất của ngành tình báo, chứng tỏ năng lực của Taliban trong việc tổ chức các cuộc tấn công phức tạp vào những mục tiêu được lựa chọn đã tăng lên.

Phát ngôn viên của Taliban cho biết, người thực hiện vụ đánh bom liều chết đã theo sát mục tiêu Phó Giám đốc Cục an ninh Quốc gia, phụ trách công tác tình báo Abdullah Laghmani. Khi ông Abdullah Laghmani và các quan chức khác đang rời nhà thờ Hồi giáo thì bom phát nổ giữa đám đông.

Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 18 dân thường, hai vệ sĩ của ông Abdullah Laghmani, và hai quan chức của tỉnh Laghman, đồng thời làm hỏng một số xe hơi của các quan chức Afghanistan.

Các quan chức địa phương cho biết, ông Abdullah Laghmani đến nhà thờ Hồi giáo này để bàn với một số chức sắc tôn giáo việc tu tạo nhà thờ.

Vụ ám sát này làm cho sự mâu thuẫn sắc tộc trong ngành an ninh Afghanistan vốn nhiều bất hòa lại càng thêm căng thẳmg. Cục An ninh Quốc gia Afghanistan hiện do một người thuộc dân tộc Tajik làm giám đốc. Ông Abdullah Laghmani vừa bị giết hại là người Pashtun.

Trong chính quyền Afghanistan hiện nay, những người dân tộc Pashtun và Tajik luôn tranh nhau các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứa đưa thêm sang Afghanistan trong năm nay 21.000 quân, tuy nhiên phe quân sự ở Washington muốn bổ sung khoảng 45.000 quân nữa mới có thể ngăn chặn được sự nổi dậy của Taliban.

Trong cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống ở Afghanistan vừa qua, hai ứng cử viên giành được nhiều phiếu nhất vẫn là ông Hamid Kazai người dân tộc Pashtun và ông Abdullah Abdullah, người Tajik. Ông Abdullah Abdullah trên thực tế mang hai dòng máu Pashtun và Tajik nhưng ra ứng cử đại diện cho nhóm dân tộc Tajik.

Trong lực lượng Taliban hiện nay, người Pashtun chiếm hầu như tuyệt đối. Trước đây, Taliban từng cảnh báo người dân tộc Pashtun không tham gia, làm việc cho quân đội, cảnh sát, an ninh, và các cơ quan chính phủ Afghanistan hiện nay, ai không tuân thủ sẽ bị trừng trị.

Vụ ám sát Phó Giám đốc Cục an ninh Quốc gia người dân tộc Pashtun lần này củng cố thêm cho lời mà Taliban đã từng cảnh báo.

Vụ ám sát lãnh đạo Cục an ninh Quốc gia, phụ trách công tác tình báo Afghanistan lần này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một sĩ quan tình báo Afghanistan bị Taliban bắt cóc ở tỉnh phía bắc Kunduz.

Cùng ngày với vụ đánh bom liều chết làm thiệt mạng ông Abdullah Laghmani, người ta cũng thấy thi thể của sĩ quan tình báo Afghanistan bị bắt cóc nói trên bị chết trong tư thế treo cổ trên một cành cây ở ngoại ô thành phố Baghlan. 

MỚI - NÓNG