Trùm tình báo: Mỹ - Trung đã trượt khỏi ngưỡng hòa hoãn

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Ảnh: AP.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Ảnh: AP.
Kỉ nguyên của chính sách được thiết kế theo hướng hạ thấp hoặc phủ nhận thách thức chiến lược ngày một lớn đến từ Trung Quốc sắp kết thúc ở Washington - Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nhìn nhận.

Phát biểu trước phiên điều trần tại Thượng viện hồi đầu tháng 2 vừa qua, ông Clapper nói rằng, đe dọa từ Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở việc tăng cường sức mạnh hạt nhân chiến lược, lực lượng quân sự thông thường, mà còn mở rộng sang các hình thức cạnh tranh khác như các chiến dịch thông tin, tấn công mạng, hoạt động tình báo, chiến tranh phi truyền thống. Trung Quốc, cùng với Nga, đang thách thức quyền lực và ảnh hưởng khu vực của Mỹ theo lối gia tăng cạnh tranh, đặc biệt là trên các tuyến hàng hải thiết yếu ở châu Á – nơi chuyên chở lượng hàng hóa lên đến 5.000 tỉ USD/năm. 

Để tránh kích hoạt một cuộc chiến có tiếng súng với Mỹ, Bắc Kinh đang theo đuổi cách tiếp cận về xung đột cường độ thấp. “Họ đương nhiên tránh đối đầu quân sự trực diện với Mỹ, thay vào đó là chấp nhận cạnh tranh cường độ thấp, trong đó có các bước đi kinh tế - quân sự mang tính đối địch, chiến dịch tuyên truyền, tấn công mạng… Nó mang chủ đích xóa nhòa khoảng cách giữa hòa bình và chiến tranh”, ông Clapper nói.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, mới lại có quan chức cao cấp nhất của tình báo Mỹ xem Trung Quốc là tác nhân gây ra các đe dọa an ninh khu vực, có những bước đi thù địch vượt ngưỡng hòa hoãn, nhưng chưa tới ngưỡng chiến tranh. Tại phiên điều trần ở Ủy ban Tình báo Thượng viện 2 năm trước, ông Clapper có đánh giá khác hẳn, khi nói rằng vẫn có cơ hội hợp tác cho quan hệ Mỹ - Trung, nhất là trên khía cách giải quyết các thách thức toàn cầu gây đe dọa đến các thiết chế quốc tế hiện hành. 

Trước đó, Trung tướng Vincent R. Stewart, Giám đốc cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cũng có những đánh giá mang tính “cảnh báo cứng rắn” về Trung Quốc, nhất là đe dọa ngày quân sự ngày một lớn đến từ Bắc Kinh. Theo đó, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thoát khỏi quan điểm theo đuổi bảo vệ chủ quyền đối với lợi ích cốt lõi ở Đài Loan (cao nhất là đánh chiếm đảo), sang hướng mở rộng ảnh hưởng, đối phó xung đột không chỉ ở Đài Loan, mà còn tại Biển Đông, Hoa Đông và “chống can thiệp” từ Mỹ.

Theo tờ Freebeacon (Mỹ), trong nội bộ chính giới Mỹ, nhiều quan chức tình báo, quân sự đã bắt đầu lên tiếng chỉ trích nghị trình của Tổng thống Barack Obama - vốn đánh giá thấp các mối đe dọa an ninh bên ngoài và tập trung nỗ lực giải quyết những vấn đề trong nước. Nhìn rộng ra, việc thảo luận, công bố công khai về mối đe dọa quân sự - an ninh từ Trung Quốc bị giới hạn chặt chẽ trong hàng ngũ quan chức trong suốt nhiều thập kỉ. Hệ quả là trong cả một quãng thời gian dài, các chính quyền của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều có cách tiếp cận giảm thiểu hoặc phủ nhận toàn bộ những hoạt động, cách hành xử “gây quan ngại” từ Bắc Kinh. Quan điểm của Washington từ chỗ “Trung Quốc không phải là mối đe dọa” trong những năm 1990 thậm chí đã được đẩy lên mức “Mỹ muốn thấy một Trung Quốc hùng mạnh” những năm 2000. 

Cách tiếp cận hòa hoãn với Trung Quốc vốn thắng thế trong giới học giả, hoạch định chính sách, doanh nghiệp chưa thể tạo ra những kết quả như mong đợi. Đánh giá của Giám đốc Tình báo Quốc gia Clapper tại phiên điều trần có thể là tín hiệu cho thấy, Mỹ đang bắt đầu một kỉ nguyên “chủ nghĩa thực tế” theo hướng cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, tờ Freebeacon viết.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG