Trung - Ấn dọn đường gặp nhau sau đối đầu căng thẳng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Ấn Độ năm 2016. Ảnh: Getty Images.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Ấn Độ năm 2016. Ảnh: Getty Images.
TP - Trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp diễn ra tại Trung Quốc, Ấn Độ hôm qua thông báo, quân đội hai nước đã đồng ý rút quân khỏi biên giới sau 70 ngày đối đầu căng thẳng. Nhưng giới quan sát cho rằng, lãnh đạo hai nước dù có gặp nhau cũng khó tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 28/8 ra thông cáo báo chí nói rằng, hai nước đã đồng ý nhanh chóng rút quân khỏi khu vực đối đầu trên vùng cao nguyên Doklam thuộc dãy Himalaya và đang tiến hành hoạt động này. “Trong những tuần qua, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn duy trì trao đổi ngoại giao về vụ việc ở Doklam. Trong các cuộc trao đổi, chúng tôi đã thể hiện quan điểm của mình và chuyển tải mối quan tâm cũng như lợi ích của chúng tôi”, tuyên bố viết. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, quân Ấn Độ đã rút về phía biên giới nước họ và quân Trung Quốc vẫn tiếp tục tuần tra ở vùng Doklam.

Đợt đối đầu căng thẳng kéo dài giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trong 3 tháng qua có lúc tưởng chừng sẽ leo thang thành xung đột quân sự. 

Mâu thuẫn bắt đầu khi Ấn Độ phát hiện Trung Quốc xây một con đường ở Doklam, vùng ngã ba của Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Buhtan cũng phản đối việc Trung Quốc làm đường trên khu vực tranh chấp mà nước này tuyên bố là của họ. New Delhi coi việc Trung Quốc làm đường ở Doklam là mối đe dọa đối với họ vì nó nằm gần hành lang Siliguri kết nối vùng đông bắc của Ấn Độ với khu vực còn lại của đất nước.

Đường biên giới thực tế dài gần 3.500km giữa Ấn Độ và Trung Quốc được chia làm 3 phần: tây, trung và đông. Tuần trước, Trung Quốc nói rằng Ấn Độ đã “vỗ vào mặt họ” khi quyết định làm một con đường gần hồ Pangong ở Ladakh và điều này sẽ khiến tranh chấp ở Doklam tồi tệ hơn. Bắc Kinh nói rằng, phần biên giới phía tây nơi Ấn Độ định làm đường “chưa được phân định”, đồng thời cảnh báo rằng động thái này “không đóng góp” cho hòa bình khu vực. Bộ Nội vụ Ấn Độ được cho là đã chấp thuận kế hoạch làm đường từ Marsimik La đến Hot Spring ở Ladakh. Marsimik La cách hồ Pangong khoảng 20km, là nơi xảy ra cuộc ẩu đả giữa hai nhóm lính Trung Quốc và Ấn Độ gần đây. Ấn Độ và Trung Quốc cũng có tranh chấp về Đường kiểm soát thực tế trên phần phía tây của Ladakh.

Ấn Độ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận rút quân trong bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, từ ngày 3-5/9 tới. Chưa có thông báo chính thức nào về việc ông Modi sẽ dự sự kiện này. Căng thẳng hạ nhiệt ở Doklam có thể giúp vạch ra chương trình nghị sự cho cuộc gặp giữa ông Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Vai trò của ông Putin

Giới chuyên gia theo dõi tình hình quốc tế nhận định những diễn đàn đa phương như BRICS có thể giúp các nước thành viên củng cố quan hệ song phương và giải quyết mâu thuẫn. Ông Sudheendra Kulkarni, một trợ lý của cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee, kỳ vọng ông Modi sẽ tham dự hội nghị BRICS sắp tới. Nếu ông Modi vắng mặt sẽ gửi đi một tín hiệu tiêu cực đến Trung Quốc và 3 thành viên khác của BRICS. “Hơn nữa, việc ông Modi đến Hạ Môn sẽ tạo cho ông ấy và cả ông Tập Cận Bình một cơ hội rất cần thiết để thảo luận trực tiếp về vấn đề biên giới, bên lề hội nghị chính”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Kulkarni. 

Ông Manoranjan Mohanty, cựu Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc trụ sở tại New Delhi, nói rằng, Thủ tướng Modi có thể sẽ dự hội nghị BRICS, nếu không sẽ gửi đi tín hiệu rằng “Ấn Độ sẽ để Trung Quốc định hình chương trình nghị sự của BRICS”. Nhưng nhà nghiên cứu này cho rằng, ngay khi lãnh đạo Trung - Ấn gặp nhau cũng sẽ không dẫn đến tiến triển lớn hay thỏa thuận nào đối với tranh chấp biên giới. 

Ngoài vấn đề tranh chấp biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc còn bất đồng trong nhiều vấn đề khác, như việc Trung Quốc ngăn Ấn Độ gia nhập nhóm các nước cung cấp hạt nhân hay việc Ấn Độ luôn phản đối Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan gây tranh cãi. Hai nước có thể sẽ tiếp tục chia rẽ về cách thức đối phó chủ nghĩa khủng bố. Cụ thể là có cần phải gây áp lực nhiều hơn lên Pakistan khi Ấn Độ và các nước phương Tây cáo buộc Pakistan chứa chấp các nhóm khủng bố, còn Trung Quốc lại ca ngợi Pakistan có “đóng góp quan trọng” cho những nỗ lực chống khủng bố. 

Giới quan sát cho rằng, mâu thuẫn kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn của châu Á sẽ tiếp tục thách thức hiệu quả làm việc của nhóm BRICS, cho dù Trung Quốc nỗ lực để biến hội nghị năm nay trở thành khởi đầu cho một “thập kỷ vàng thứ hai” của khối. “Trung Quốc và Ấn Độ được cho là những lãnh đạo của thế kỷ châu Á. BRICS đã trở thành một diễn đàn lớn để các nền kinh tế đang phát triển tìm ra con đường phát triển của mình và cải cách trật tự toàn cầu hiện nay”, ông Zhu Jiejin, một chuyên gia về lĩnh vực ngoại giao đa phương của Trung Quốc tại ĐH Phúc Đán, nói. “Nhưng tranh chấp biên giới đã trở thành một thách thức lớn đối với Trung Quốc và Ấn Độ, và vẫn cần quan sát thêm xem lãnh đạo hai nước có tầm nhìn xa và sự khôn ngoan để vượt qua mâu thuẫn để tập trung phát huy tiềm năng thị trường của mình hay không”, ông Zhu nhận xét. 

Có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ đóng vai trò hòa giải tại hội nghị ở Hạ Môn nhằm giúp giải quyết vấn đề giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Một cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin bên lề hội nghị BRICS đang được thu xếp. Ấn Độ đã “nhìn về Mátxcơva trong 6 tháng qua để thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ cách tiếp cận đối ngược với Ấn Độ” và sẽ đối thoại với Mátxcơva trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS, Times of India đưa tin. 

MỚI - NÓNG