Trung - Nhật nối lại đàm phán xử lý khủng hoảng

Tàu Nhật và Trung Quốc vờn nhau gần Senkaku/Điếu Ngư
Tàu Nhật và Trung Quốc vờn nhau gần Senkaku/Điếu Ngư
TP - Trung Quốc và Nhật Bản vừa đồng ý tuần sau sẽ nối lại đàm phán về thiết lập một cơ chế trong năm nay nhằm xử lý các khủng hoảng trên biển. Bên cạnh đó, Trung Quốc nói họ đang theo dõi chính phủ Nhật Bản sẽ thể hiện quan điểm như thế nào về các vấn đề lịch sử.

Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn lời nguồn tin chính phủ nước này nói rằng, các cuộc đối thoại cấp chuyên gia sẽ diễn ra tại Tokyo, có thể vào thứ Ba tới. Dự kiến, cuộc đàm phán sẽ có sự tham dự của các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Cả hai nước đều hy vọng ngăn chặn đụng độ trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc Hoa Đông. Nhóm đảo nhỏ không người ở này hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc tuyên bố thuộc về họ.

Năm 2012, giới chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cơ bản về việc lập đường dây nóng và tần số radio chung cho tàu và máy bay khi hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo đề nghị Bắc Kinh nối lại đàm phán vào cuối tháng 1 về việc tìm ra phương thức để quân đội hai nước liên lạc với nhau trong trường hợp khẩn cấp. Bắc Kinh trả lời rằng, các cuộc đối thoại có thể được tổ chức vào giữa tháng.

Tokyo sẽ có thông báo mới về vấn đề lịch sử

Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhắc lại rằng, trong bài phát biểu hồi tháng 8/2014 kỷ niệm 70 năm Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông cam kết Nhật Bản sẽ đóng góp lớn hơn vào hòa bình khu vực và thế giới.

Trước đó, ông Abe nói sẽ bày tỏ sự ăn năn trước những hành động của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Các nguồn tin nói rằng, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị một thông báo mới về vấn đề này và thông báo mới chắc chắn sẽ được chú ý nhiều vì tác động của nó đối với quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bắc Kinh và Seoul đặc biệt quan tâm việc ông Abe sẽ duy trì tuyên bố Murayama 1995 (lời xin lỗi về sự hiếu chiến của quân đội Nhật Bản ở châu Á do Thủ tướng Tomiichi Murayama đưa ra) hay không.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến tranh kết thúc, hôm 15/8/1995, ông Murayama nói rằng, Nhật Bản gây ra “thiệt hại và đau khổ to lớn” đối với người dân châu Á và các nước khác trong thời kỳ thực dân và xâm lược, đồng thời bày tỏ “sự hối hận sâu sắc” và “lời xin lỗi chân thành”. Tuyên bố này được coi là quan điểm chính thức của chính phủ Nhật Bản về Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Khi được hỏi có tiếp tục duy trì tuyên bố Murayama hay không, ông Abe nói chính phủ của ông “đã và sẽ tiếp tục duy trì những thông báo của các chính phủ trước đây”. Thủ tướng Abe cũng nói, tuyên bố của ông thể hiện quyết tâm của Nhật Bản rằng, sẽ là một bên đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới, báo Nhật Bản Japan Times đưa tin.

Trung Quốc hôm qua thúc giục Nhật Bản thực hiện lời hứa của mình về các vấn đề lịch sử và theo đuổi con đường phát triển hòa bình bằng các hành động cụ thể. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh đang theo dõi quan điểm của chính phủ và lãnh đạo Nhật bản về lịch sử và những thông điệp họ gửi ra thế giới.

Trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý giảm căng thẳng vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư và thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng. Tàu và máy bay tuần tra của Trung Quốc nhiều lần tiến gần nhóm đảo, khiến lực lượng của Nhật Bản luôn trong tình trạng báo động.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.