Trung Quốc: 95% quan tham có bồ nhí

Trung Quốc: 95% quan tham có bồ nhí
Theo một nghiên cứu, 95% số quan tham ở Trung Quốc bị phát hiện đều có bồ nhí, hơn 60% cán bộ lãnh đạo tham nhũng bị xử lý có vợ lẽ. Ngoài ra, hối lộ tình dục cũng là một tệ nạn trong xã hội Trung Quốc.
Trung Quốc: 95% quan tham có bồ nhí ảnh 1
Lý Bình, người tình của nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Thành Khắc Kiệt là một trong những nhân tố khiến ông ta "ngã ngựa"

Hãng Thông tấn CNS của Trung Quốc ngày 19/7 đã phát đi bài nghiên cứu của ông Thiệu Đạo Sinh ở Viện KH xã hội Trung Quốc.

Bài báo cho biết: hối lộ tình dục hiện đã trở thành một tệ nạn trong xã hội Trung Quốc và đã đến lúc phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề xã hội nghiêm trọng này.

Năm 1999, trong số 102 vụ án quan chức tham nhũng bị đưa ra xét xử, 100% các quan tham đều có “phòng nhì”. 102 vụ không phải là con số nhỏ, nhưng việc cả 102 quan tham đều có bồ nhí hay vợ lẽ lại càng khiến người ta kinh sợ hơn.

Hiện nay ở Trung Quốc, nạn hối lộ tình có 5 đặc điểm: Thứ nhất, phát triển rất nhanh, bỗng nhiên trở thành một mối hại xã hội khó có thể trừ bỏ được; Thứ hai, từ bí mật chuyển sang công khai và đã trở thành một thứ mốt thời thượng của nhiều quan chức; Thứ ba, dùng tiền công để hối lộ tình, dùng tiền công để bao bồ nhí, nuôi vợ lẽ đã trở thành một đặc điểm nổi bật của các quan tham hiếu sắc hiện nay; Thứ tư, có xu hướng kết bè kết phái phát triển; Thứ năm, tệ hủ bại về mặt tư pháp cũng mang đậm dấu ấn tình dục.

Mỹ nữ đã trở thành thủ đoạn thường dùng để “mở đường” trong thương trường và quan trường. “Vui vẻ” đã trở thành tiêu chí cho sự “có địa vị, có danh tiếng” của giới thượng lưu.

Hiện nay trong các quan tham, bao nuôi bồ nhí đã trở thành trào lưu thi đua nhau: Ai có nhiều bồ nghĩa là người ấy mạnh nhất. Một số quan tham nói đến chuyện bồ bịch là rất phấn chấn, hăng hái, đầy vẻ tự hào.

Vì sao vấn đề “hối lộ tình” lại không được xã hội coi trọng? Bài báo phân tích có 4 nguyên nhân sau: Thứ nhất, xã hội quá khoan dung với hiện tượng này, chỉ coi đó là “tác phong sinh hoạt”, “vấn đề đạo đức thông thường”.

Thứ hai, xã hội hiện có khuynh hướng chỉ chú trọng đến kẻ nhận hối lộ chứ không mấy quan tâm đến người hối lộ, đối xử với hai loại đối tượng này luôn là “bàn tay sắt và bàn tay nhung”.

Thứ ba, thái độ khó hiểu của dư luận xã hội: Đối với chuyện quan chức bắt bồ họ chỉ hứng thú chạy theo những tình tiết của chuyện tình ái chứ không đi sâu tìm hiểu đằng sau nó là cái gì.

Thứ tư, luật pháp còn chỗ hổng, hiện chưa có điều khoản cụ thể  liên quan đến “hối lộ tình” nên rất khó xử lý vụ việc.

Hiện nay, nhiều gian thương đã coi “hối lộ tình” là chìa khóa vạn năng để mở cửa công quyền. Dùng mỹ nữ để “đánh mục tiêu” có tỷ lệ thành công rất cao, đến mức “bách phát bách trúng”. Vì vậy “hối lộ tình” đã trở thành phương thức hối lộ còn mạnh hơn cả tiền bạc.

Trong dư luận Trung Quốc bây giờ ít ai còn nghi ngờ hay phủ nhận tác dụng và vai trò của “hối lộ tình” trong tệ nạn tham nhũng hủ bại. Mọi người đều thấy rõ hậu quả nghiêm trọng của việc để mặc cho “hối lộ tình” phát triển và đều thấy cần thiết phải dẹp bỏ nó. Vì vậy, đã đến lúc pháp luật phải can dự vào vấn đề này, phải theo sát thực tế, không được đứng ngoài cuộc nữa.

MỚI - NÓNG