Trung Quốc 'bắn cảnh cáo' khi Anh muốn điều chỉnh quan hệ

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Ảnh: Getty Images
TP - Trước những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc và vấn đề Hong Kong, chính phủ Anh đang cân nhắc điều chỉnh quan hệ hợp tác với Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc không bác bỏ thông tin trên báo chí rằng, Bắc Kinh sẽ trả đũa nếu hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc bị hạn chế. 

Nước Anh đang trải qua một trong những đợt dịch chuyển địa chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ khi đang tìm kiếm một thỏa thuận hậu Brexit với EU và chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, nhằm xác định lộ trình tương lai cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong khi có sự bất mãn gia tăng với cái gọi là “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh - Trung, báo chí Anh nhận định.

Không gây sức ép nhằm khiến Bắc Kinh thu lại kế hoạch áp luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây thông báo sẽ trao quyền công dân cho 3 triệu người Hong Kong nếu luật được áp dụng. Anh cũng xem lại kế hoạch cho phép hãng viễn thông Huawei tham gia phát triển mạng 5G vì quan ngại an ninh, và muốn thành lập câu lạc bộ D10 (gồm G7 cùng Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ) để phát triển công nghệ.

Có thông tin chính phủ Anh đang soạn luật mới nhằm tăng cường sàng lọc đầu tư từ Trung Quốc. Hàng loạt hành động của Anh gợi ý rằng, nước này đang xích lại gần Mỹ theo hướng tách khỏi Trung Quốc, thay vì chấp nhận quan điểm ôn hòa hơn của EU.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Anh Dominic Raab rằng, Anh nên “cực kỳ thận trọng” về Hong Kong và chớ can thiệp công việc của đặc khu này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày 9/6.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh gần đây nói với giới doanh nghiệp rằng, Bắc Kinh coi vấn đề Huawei là “phép thử xem Anh có phải đối tác thực sự và trung thành hay không”, báo The Sunday Times đưa tin. Ông Lưu cảnh báo các công ty Trung Quốc có thể rút khỏi những dự án hạ tầng lớn của Anh, trong đó có các nhà máy điện hạt nhân và một tuyến đường sắt cao tốc.

Trong chương trình Today của Đài phát thanh số 4, ông Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, nói: “Chúng ta không nên nhượng bộ trước những đe dọa như thế. Khoảnh khắc một nước bắt đầu đe dọa bạn, đó là quốc gia mà bạn không nên làm ăn cùng”.

Ông Smith là đồng chủ tịch Liên minh Nghị viện về Trung Quốc- một nhóm quốc tế kêu gọi cần có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh. “Tôi chắc chắn không ủng hộ xây thêm nhà máy điện hạt nhân bằng công nghệ Trung Quốc”, ông nói.

Ông cho rằng, Anh nên chuyển sang các nguồn năng lượng khác hoặc dùng công nghệ từ các nước khác. Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, nói rằng, chính phủ Anh cần cân nhắc các lợi ích chiến lược của mình và cần bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. “Đừng giả vờ rằng nhà máy điện hạt nhân là thể hiện sự hào phóng phi thường”, ông Tugendhat nói.

Cuộc khẩu chiến giữa Anh và Trung Quốc diễn ra cả trên mạng xã hội.    

MỚI - NÓNG