Trung Quốc 'bơm' 110 tỷ USD vào nền kinh tế

Xuất khẩu khó khăn làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc
Xuất khẩu khó khăn làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc
TP - Hôm qua, Trung Quốc cắt giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, qua đó “bơm” thêm vào nền kinh tế 110 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về hiện trạng của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói họ đã quyết định cắt giảm 1 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ ngày 15/10 tới, mở đường cho các khoản vay mới hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo quyết định này, các ngân hàng sẽ có thêm  1.200 tỷ nhân dân tệ, trong đó 450 tỷ nhân dân tệ (65 tỷ USD) được sử dụng để thanh toán các khoản cấp vốn từ ngân hàng trung ương, phần còn lại được sử dụng để cho vay thương mại, SCMP đưa tin.

Trong khi ngân hàng trung ương Trung Quốc nói động thái này không phải là sự thay đổi chính sách tiền tệ, các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về hiện trạng của nền kinh tế trong lúc chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang và bế tắc. “Đây là dấu hiệu nới lỏng chính sách để đối đầu với (hậu quả) cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cho thấy chính phủ Trung Quốc quyết tâm duy trì tăng trưởng”, Liêu Quần, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng quốc tế Citic Trung Quốc phân tích.

Trương Minh, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói động thái bơm tiền là nhằm đối phó với hiện tượng giảm tốc tăng trưởng do căng thẳng thương mại gây ra.

“Tranh chấp thương mại với Mỹ càng căng thẳng thì vai trò của thương mại trong tăng trưởng càng yếu đi”, ông nói. “Nếu xuất khẩu giảm do tranh chấp thương mại, tác động tiêu cực từ lĩnh vực thương mại sẽ lan sang đầu tư và sản xuất”.

Học giả Trương nói ông dự đoán tăng trưởng GDP sẽ giảm tốc xuống còn 6,6% trong quí ba, từ mức 6,7% của ba tháng trước đó và xuống mức 6,4% ở quí tư năm nay.

Đã xuất hiện nhiều dấu hiệu làm bộc lộ những điểm yếu của nền kinh tế trị giá 12.000 tỷ USD của Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, cả chỉ số sức mua chính thức lẫn không chính thức trong khối sản xuất rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 khi các đơn hàng xuất khẩu, các chỉ số sản xuất đều sụt giảm.

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “tự chủ”, sau khi chính phủ Trung Quốc chuyển trọng điểm kinh tế nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại, đáng kể nhất là xếp việc giảm nợ, vốn là một ưu tiên trước đó, vào hàng thứ yếu.

Từ Kiến Vỹ, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis (Pháp) tại Hong Kong, nói chính phủ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải tìm một con đường khác, thoát khỏi các chính sách tiền tệ của Mỹ. “Trong một cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa khi niềm tin của các nhà đầu tư yếu đi… Trung Quốc do vậy buộc phải bơm tiền vào nền kinh tế”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.