Trung Quốc cấp phép cho vắc-xin COVID-19 đầu tiên

Quầy trưng bày vắc-xin của Sinopharm ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Quầy trưng bày vắc-xin của Sinopharm ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
TPO - Hôm nay, Trung Quốc cấp phép cho vắc-xin COVID-19 đầu tiên để sử dụng rộng rãi, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh hơn trong mùa đông.

Vắc-xin được cấp phép là sản phẩm của một công ty thuộc tập đoàn dược phẩm nhà nước Sinopharm. Chưa có số liệu nào về hiệu quả của vắc-xin này được công bố, nhưng đơn vị điều chế của Sinopharm là CNBG khẳng định rằng số liệu tạm thời cho thấy sản phẩm đạt 79,34% hiệu quả trong bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm virus corona mới.

 Cục dược phẩm quốc gia Trung Quốc cấp phép cho vắc-xin này sau khi UAE trở thành nước đầu tiên triển khai tiêm đại trà vắc-xin của Sinopharm, và Pakistan thông báo đã ký hợp đồng mua 1,2 triệu liều của hãng này. 

Dù chậm hơn một số nước trong việc cấp phép cho vắc-xin nhưng Trung Quốc đã tiêm cho một số nhóm dân, trong khi giai đoạn thử nghiệm cuối cùng chưa hoàn tất. 

Trung Quốc triển khai chương trình tiêm khẩn cấp từ tháng 7 cho các nhóm có nguy cơ cao và đã sử dụng hơn 4,5 triệu liều tính đến ngày 15/12 với 3 sản phẩm khác nhau, trong đó có sản phẩm của CNBG và Sinovac. 

Dù hiệu quả của vắc-xin Sinopharm thấp hơn mức 90% mà sản phẩm của Pfitzer/BioNTech và Moderna đạt được, nhưng đây cũng được coi là tiến bộ của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát triển thành công vắc-xin COVID-19. 

Trung Quốc có ít nhất 5 loại vắc-xin do Sinovac, các đơn vị của CNGB, CanSino và Viện Khoa học Trung Quốc điều chế, cho thấy nước này đang rất nỗ lực để cạnh tranh với các đối thủ phương Tây. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết để các vắc-xin của nước trở thành hàng hoá công ích toàn cầu và đã ký nhiều hợp đồng lớn để cung cấp cho các nước, trong đó có Indonesia và Brazil.

Số liệu về hiệu quả và tính an toàn của các vắc-xin Trung Quốc đang được nhiều nước đang phát triển quan tâm vì họ chỉ được tiếp cận hạn chế vắc-xin của các hãng dược phương Tây. 

“Việc Trung Quốc cấp phép có thể làm tăng tính tin cậy của vắc-xin. Nhưng nếu vắc-xin muốn chiếm được thị phần toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, Trung Quốc cần cung cấp thêm số liệu”, GS Dong-yan Jin, công tác tại ĐH Hong Kong, nhận xét. 

Giám đốc điều hành Sinopharm từng nói tại một cuộc họp bó rằng số liệu cụ thể sẽ được công bố sau, trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. 

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG