Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 18 (Kỳ 1)

Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào (trái)
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào (trái)
Việc chuẩn bị người kế nhiệm tiếp tục thực hiện những thành công mà ban lãnh đạo hiện nay (thê đội 4) do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào làm hạt nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trước kì Đại hội Đảng lần thứ 18

> Cơ hội cho Mỹ-Trung nói về những khác biệt

2012 được coi là năm có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với Trung Quốc bởi là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), là năm thứ 34 thực hiện chính sách cải cách mở cửa (1978-2012), năm thứ 21 thực hiện chiến lược tăng tốc kinh tế, năm thứ 20 chuyển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Từ chuyến công du khẳng định vị thế

Dư luận Trung Quốc và Mỹ đặc biệt quan tâm tới chuyến công du tới Mỹ (từ 13 đến 17-2-2012) của Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bởi ông được coi là người có khả năng sẽ thay thế vị trí hiện nay của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

Chính vì tầm quan trọng kể trên nên dư luận càng quan tâm hơn tới những di biến động trước, trong và sau chuyến công du tới Mỹ lần này của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình. Chiều 13-2, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đến Mỹ, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm chính thức 3 nước Mỹ, Ireland và Thổ Nhĩ Kỳ (từ 13 đến 22-2).

Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình có các cuộc hội kiến với Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden để thảo luận nhiều vấn đề song phương cùng quan tâm, kể cả những bất đồng về thương mại, “vấn đề Iran và Syria”, an ninh ở châu Á, cũng như các diễn biến tại khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình còn gặp một số quan chức cấp cao trong chính phủ và Quốc hội Mỹ như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Bộ trưởng Tài chính Geithner…

Được biết, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đã có cuộc hội ý qua điện thoại với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm chuyến thăm. Phó tổng thống Joe Biden từng được Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp và hội kiến khi ông tới thăm Trung Quốc năm 2011.

Ngày 12-2, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đã trả lời bằng văn bản phỏng vấn của tờ Washington Post về các vấn đề như hợp tác kinh tế – thương mại Trung – Mỹ, quan hệ Trung – Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hợp tác hai bên trên các vấn đề khu vực, quốc tế và toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố, chuyến thăm Mỹ của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình nhằm tiếp tục thực hiện nhận thức chung về xây dựng quan hệ đối tác hợp tác Trung – Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi đã đạt được giữa nguyên thủ hai nước.

Trả lời phỏng vấn của các hãng truyền thông Mỹ về chuyến thăm, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Trương Nghiệp Toại khẳng định: Chuyến thăm Mỹ của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác hợp tác Trung – Mỹ.

Chuyến thăm tuy diễn ra đúng ngày Lễ Tình nhân, nhưng Mỹ – Trung vẫn còn nhiều bất đồng về một số vấn đề như cấm vận xuất khẩu dầu lửa của Iran, tình hình bán đảo Triều Tiên, biển Đông, dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Syria, sự gia tăng hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, tỉ giá đồng nhân dân tệ, hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mỹ sang Trung Quốc và các cản trở đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ…

Điều đáng nói là cách đây khoảng 1 tháng (tháng 1-2011), tại Bắc Kinh, trong số giới chức hiện diện tại lễ kỷ niệm 40 năm chuyến thăm Trung Quốc (1972-2012) của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, mở đường cho việc bình thường hóa song phương, có Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Tại đây, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đề cập tới các vấn đề phức tạp có liên quan đến bang giao Trung – Mỹ. Trước thềm chuyến thăm Mỹ (tới Washington, Iowa và California) của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho rằng (10-2), các bất đồng về Syria, Tây Tạng, thương mại… sẽ được cải thiện nhân chuyến thăm này.

Chuyến thăm của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ là cơ hội quan trọng để thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình từng nhiều lần phát biểu về quan hệ với Mỹ, trong đó nhấn mạnh: chìa khóa để phát triển ổn định quan hệ Trung – Mỹ là tôn trọng lợi ích căn bản của nhau, cũng như thận trọng xem xét cách tiếp cận vấn đề Đài Loan và vấn đề Tây Tạng để không làm tổn hại quan hệ song phương.

Gần 1 năm trước (4-3-2011), tờ The Financial Times từng cho biết, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình là người tránh đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi, ít khi bày tỏ chính kiến và đó là lý do người ta khó nắm bắt được quan điểm của ông.

Cách đây 27 năm (1985-2012), Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình khi đó là quan chức tỉnh Hồ Bắc từng dẫn đầu đoàn Trung Quốc tới thăm bang Iowa để học hỏi về công nghệ nông nghiệp sau khi Hồ Bắc và Iowa thúc đẩy quan hệ cấp tỉnh – bang từ năm 1983.

Năm 2009, tạp chí Time đã chọn Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và tin rằng, ông sẽ thay thế Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào tại Đại hội 18. Việc trở thành Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (tháng 10-2010) càng củng cố nhận định kể trên.

Hạt nhân lãnh đạo của Đại hội 18

Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden
Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.
 

Ngày 1-11-2011, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo bắt đầu bầu đại biểu dự Đại hội 18. Sẽ có 2.270 đại biểu được bầu ra từ 40 đơn vị bầu cử trên cả nước và việc bầu chọn sẽ hoàn tất vào tháng 6-2012.

Các đại biểu được bầu phải là những đảng viên ưu tú nhất (trong số hơn 80 triệu đảng viên) và đại diện cho tất cả các thành phần trong xã hội, trong đó, số đại biểu đại diện cho tầng lớp công nhân và nông dân sẽ tăng.

Số đại biểu nữ sẽ nhiều hơn Đại hội 17 và số đại biểu thuộc các cộng đồng sắc tộc sẽ chiếm một tỉ lệ thỏa đáng. Vấn đề chuẩn bị nhân sự cấp cao càng trở nên khẩn trương và quan trọng khi có tới 7/9 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và hơn 50% ủy viên Bộ Chính trị (25 người) sẽ nghỉ hưu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 18).

Ngoài ra, vấn đề này còn đặc biệt quan trọng bởi những người được chọn là hạt nhân lãnh đạo (thê đội 5) đất nước hơn 1,34 tỉ người từ nay tới năm 2020 – giai đoạn hoàn tất “công đoạn thứ 2” trong 3 hiện đại hóa mà Đặng Tiểu Bình đề ra. Do đó, đây là việc lựa chọn nhân sự cho cả Đại hội 18 và Đại hội 19.

Theo giới truyền thông, trước khi trở thành Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình từng là Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, một trong những điển hình của thành công trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng đạt 14% trong suốt 20 năm qua.

Sinh ra (1-6-1953) trong gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, là con trai út cố Phó thủ tướng Tập Trọng Huân và cũng giống bố, Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình làm lãnh đạo khá sớm: 32 tuổi là Phó thị trưởng Hạ Môn, 40 tuổi là Bí thư thành ủy Phúc Châu, 47 tuổi làm Tỉnh trưởng Phúc Kiến, 49 tuổi làm Bí thư Chiết Giang, 54 tuổi làm Bí thư Thượng Hải, hiện là Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương kiêm Trưởng tiểu ban phụ trách công tác Hongkong – Macao.

Với thân thế cùng những thành tích nổi bật trong quản lý và xúc tiến kinh tế, cũng như các động thái mới đây, ông Tập Cận Bình được coi là người có thể thay thế Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, trở thành hạt nhân lãnh đạo của thê đội 5 tại Đại hội 18.

Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình từng nhấn mạnh, sức hấp dẫn của một nhà lãnh đạo chính là cá tính của họ – có thu hút được quần chúng hay không chính là sự thể hiện qua hiệu quả công việc, qua năng lực xử lý tình huống của người đó.

Ông Tập Cận Bình nổi tiếng với quan điểm: Mỗi cán bộ chính quyền cần phải ghi nhớ: quyền lực của chính quyền nhân dân bắt nguồn từ nhân dân, do đó phải đại diện cho lợi ích và quyền lợi của nhân dân. Tuy là người ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng ông Tập Cận Bình thận trọng về cải cách chính trị, muốn phát triển gắn với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng.

Phu nhân Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viên (Viện)
Phu nhân Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viên (Viện).

Dư luận quốc tế cũng đánh giá cao Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình – là người thận trọng, không phải là người dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng, cũng như không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của cá nhân tác động tới những quyết định cần đưa ra.

Giới truyền thông cho rằng, chuyến công du tới Mỹ, Ireland và Thổ Nhĩ Kỳ của Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được coi là thông điệp, theo đó nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc hiểu biết thêm về thế giới bên ngoài và cũng để thế giới bên ngoài hiểu biết thêm về ông. Và Mỹ đã đón tiếp Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình như nguyên thủ quốc gia.

Nói tới Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình không thể bỏ qua chuyện tình của ông bởi vợ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Giám đốc nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Bành Lệ Viên (Viện).

Cách đây gần 4 năm (tháng 3-2008), trước khi được bầu làm Phó chủ tịch nước tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chuyện tình lãng mạn của cựu Bí thư Thượng Hải Tập Cận Bình đã được đưa lên mạng.

Đây là lần đầu tiên, chuyện tình cũng như cuộc sống riêng tư của một Ủy viên Bộ Chính trị (nay là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương) được đăng tải công khai.

Giới truyền thông từng xếp ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viên là một trong những gia đình chuẩn mực của giới chính khách Trung Quốc bởi họ đều thành đạt trong sự nghiệp và có mối tình đầy lãng mạn.

Bà Bành Lệ Viên từng rất ngạc nhiên về lối sống giản dị của gia đình cố Phó thủ tướng Tập Trọng Huân khi ngày đầu tới nhà bố mẹ chồng – họ sống giản dị hơn cả những gia đình viên chức bình thường. Mãi đến khi kết hôn bà Bành Lệ Viên mới biết chồng là con trai út của cố Phó thủ tướng Tập Trọng Huân.

Làm ca sĩ từ năm 18 tuổi (sinh 20-11-1962), là một trong những giọng hát dân ca ưu tú nhất của Trung Quốc, nhưng bà Bành Lệ Viên vẫn thực sự ngưỡng mộ kiến thức của chồng bởi “tuy là một công chức nhưng rất am hiểu âm nhạc, hơn nữa, vẻ lịch sự, cùng sự hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực cùng cách nói chuyện cuốn hút của anh ấy đã khiến tôi yêu mến, cảm phục”.

Đó là câu trả lời khi có người hỏi về chồng của bà Bành Lệ Viên – sở dĩ yêu Tập Cận Bình bởi ông chân thật, chất phác, còn Phó chủ tịch nước yêu vợ bởi sự giản đơn cho dù bà là ca sĩ được nhiều người mến mộ. Tuy đang là Phó thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nhưng đám cưới của ông Tập Cận Bình (1-9-1987) khá giản đơn, không hề tương xứng với thân phận của con trai út cố Phó thủ tướng Tập Trọng Huân.

Xem tiếp kỳ sau

Theo petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG