Trung Quốc có nghĩa vụ phải thực thi phán quyết của Tòa

Toà trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12.7.2016 đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Toà trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12.7.2016 đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc.
TP - Là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế.

Phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm. Đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc thi hành chính sách ba không: không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia, không chấp nhận thi hành phán quyết. Tuy nhiên, dưới góc độ luật pháp quốc tế, Trung Quốc có nghĩa vụ phải chấp hành và thực thi phán quyết vì hai lý do sau.

Thứ nhất, là một thành viên Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), Công ước Vienna năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế và UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài (theo nguyên tắc Pacta sunt servanda - Tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế). Là chủ thể của luật quốc tế, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế - những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm, có giá trị bắt buộc chung (Jus cogens) đối với mọi chủ thể luật quốc tế, mà một trong những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế là nguyên tắc Pacta sunt servanda. Khoản 2 Điều 2 Hiến chương LHQ năm 1945 quy định: “Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi do tư cách thành viên mà có”. Cùng với đó, Điều 26 Công ước Vienna năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế chỉ ra rằng: “Mọi điều ước đã có hiệu lực đều ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Ngoài các văn bản trên, nguyên tắc này còn được ghi nhận một cách chính thức trong Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ điều ước quốc tế của mình: các nghĩa vụ phát sinh từ Hiến chương LHQ; các nghĩa vụ phát sinh từ các nguyên tắc và quy phạm được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế; nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên. Mọi quốc gia phải tuyệt đối tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế, tuân thủ một cách triệt để, không do dự.

Trong khi đó, Trung Quốc là bên ký kết và phê chuẩn UNCLOS có nghĩa là họ đồng ý với toàn bộ Công ước, trong đó có những phần và điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp. Philippines đã căn cứ vào mục giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước để đưa các vấn đề ra Tòa. Tòa Trọng tài được thành lập theo đúng quy định ở phụ lục VII của Công ước. Công ước cũng quy định rõ thủ tục thành lập Tòa và quy trình xét xử nếu một bên trực tiếp liên quan không tham gia và trên thực tế, Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines-Trung Quốc đã được thành lập và tiến hành xem xét các nội dung theo đúng các quy trình này. Vì vậy, khi phán quyết được ban hành, là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài.

Thứ hai, tính ràng buộc pháp lý và tính chung thẩm của phán quyết mà Tòa Trọng tài ban hành đã được quy định trong chính Công ước. Điều 296 Công ước quy định: “1. Các quyết định do tòa án có thẩm quyền theo mục này đưa ra là có tính chất tối hậu, và tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo. 2. Các quyết định đó chỉ có tính chất bắt buộc đối với các bên và trong trường hợp riêng biệt được xem xét”. Đồng thời, Điều 11 của Phụ lục VII của Công ước cũng quy định: “Bản án có tính chất tối hậu và không được kháng cáo, trừ khi các bên trong vụ tranh chấp phải tuân theo bản án này”.

Như vậy, về nguyên tắc, những nội dung mà Tòa tuyên bố là có thẩm quyền và ra phán quyết sẽ là cuối cùng, không thể kháng án và phán quyết của Tòa mang giá trị ràng buộc pháp lý với các bên liên quan trực tiếp là Trung Quốc và Philippines. Việc không thực thi phán quyết được coi là hành vi vi phạm luật quốc tế.

Trung Quốc từng tuyên bố có thể rút khỏi UNCLOS. Nếu việc đó xảy ra thì cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của phán quyết. Điều 317 của UNCLOS quy định, dù Công ước cho phép các quốc gia được rút khỏi Công ước, nhưng sau khi nộp tuyên bố thì phải mất một năm sau quốc gia đó mới hết quyền và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, việc từ bỏ UNCLOS sẽ không ảnh hưởng đến các quyền, nghĩa vụ hay các địa vị pháp lý bắt nguồn từ việc áp dụng công ước, trước khi công ước không còn hiệu lực đối với quốc gia đó. Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu Trung Quốc rút khỏi Công ước thì cũng sẽ không làm mất đi các nghĩa vụ mà họ vẫn phải thực hiện theo phán quyết của Tòa Trọng tài.

PGS. TS Nguyễn Bá Diến 

(Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế; Chủ tịch Hội đồng Viện NCKH Biển và Hải đảo)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.