Trung Quốc có thể lặng lẽ 'ra tay' với Triều Tiên

Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự tại lễ duyệt binh hôm 15/4 tại Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Getty Images
Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự tại lễ duyệt binh hôm 15/4 tại Thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Getty Images
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nói công khai về Triều Tiên sau cuộc gặp gần đây, nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có đòn bẩy để lặng lẽ gây sức ép từ nhiều phía đối với Bình Nhưỡng nếu họ thực sự muốn như vậy.

Triều Tiên liên tục gửi đi lời nhắc nhở về chương trình vũ khí của họ với hàng loạt vụ phóng tên lửa. Một quan chức cấp cao Triều Tiên vừa cho biết nước này sẽ tiếp tục thử tên lửa, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều động thái đe dọa sẽ tấn công phủ đầu.

“Có rất nhiều rủi ro, chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép. Họ kỳ vọng nhiều vào Trung Quốc. Cách Bắc Kinh đáp lại lời kêu gọi này sẽ là tín hiệu rõ ràng gửi đến ông Trump về mức độ nghiêm túc của họ đối với quan hệ Mỹ - Trung”, bà Meredith Sumpter, Giám đốc hãng tư vấn chính trị Eurasia Group, nhận xét.

“90% thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc, và chính quyền của ông Trump coi đó là đòn bẩy rõ ràng mà Trung Quốc có thể sử dụng”, bà Sumpter nói.

Trung Quốc lâu nay được đánh giá là vẫn nhẹ tay với Triều Tiên, một phần vì lo sợ nếu khiến nước láng giềng mất ổn định có thể tạo nên một làn sóng người tị nạn ồ ạt vượt qua sông Yalu vào các tỉnh biên giới Trung Quốc.

“Ông Tập có nhiều kinh nghiệm với Triều Tiên. Về mặt địa lý, Trung Quốc chịu rủi ro nhiều hơn. Vì thế ông ấy cũng sẽ thận trọng hơn”, bà Sumpter nói.

Trung Quốc có thể lặng lẽ 'ra tay' với Triều Tiên ảnh 1  Ảnh: Sina

Mỹ trong giai đoạn này đang có quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên. Các quan chức cấp cao Mỹ cảnh báo “đồng hồ đã điểm” và “mọi lựa chọn đều đang ở trên bàn”.

Bản thân ông Trump cũng đã nói trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây rằng Mỹ sẽ hành động đơn phương để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên nếu Trung Quốc không gây áp lực với Bình Nhưỡng.

“Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với Triều Tiên. Và Trung Quốc sẽ phải quyết định sẽ giúp chúng ta đối phó với Triều Tiên hay không”, ông Trump nói với tờ Financial Times. “Nếu họ giúp, điều đó sẽ rất tốt với Trung Quốc, và nếu không, điều đó sẽ không tốt cho bất kỳ ai”, Tổng thống Mỹ cảnh báo.

Ông Greg Valliere, chiến lược gia trưởng tại quỹ đầu tư Horizon Investments cho rằng các quan chức Mỹ đang “đốt nóng” tình hình và nhấn mạnh khả năng tấn công bằng quân sự. Chuyên gia này cho rằng khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên là 30%.

“Các tướng lĩnh đã nói rõ rằng lựa chọn quân sự có những rủi ro lớn. Một rủi ro lớn là tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông Valliere nói.

Vì lý do này, các chuyên gia về Triều Tiên cho rằng Mỹ sẽ chọn những cách khác, trong đó có việc gây sức ép để Trung Quốc giúp.

“Tôi muốn nói rằng quân đội Mỹ coi mỗi vụ thử của Triều Tiên không chỉ là một vụ thử mà là một nỗ lực nhằm tấn công Mỹ và lãnh thổ của Mỹ. Điều đó khiến bạn cảm thấy sức nặng của tình hình hiện nay.

Nghĩa là tất cả lực lượng, vũ khí của Mỹ đều được đặt trong tình trạng cảnh báo bất kỳ khi nào Triều TIên thử tên lửa hay hạt nhân”, ông John Park, giám đốc Nhóm làm việc về Triều Tiên tại Trường Havard Kennedy, nhận xét.

Ông Park cho rằng Triều Tiên vẫn có thể cải thiện năng lực tên lửa trong khi chịu rất nhiều biện pháp cấm vận, giống như kiểu nhờn thuốc kháng sinh. “Chúng ta đã tăng liều lượng cho chính quyền Triều Tiên đến mức đáng lẽ có thể tiêu diệt siêu vi”, ông nói.

Bà Sumpter cho rằng những tuyên bố của chính quyền Trump rằng mọi lựa chọn đang được đặt trên bàn thực chất không khác lời lẽ của các chính quyền Mỹ trước. Chuyên gia này cho rằng tấn công quân sự là một lựa chọn sẽ được dùng đến nếu Triều Tiên vượt qua vạch đỏ, nghĩa là khi họ đạt đến khả năng phóng tên lửa hạt nhân đến Mỹ.

Ông Park cho rằng một số người ví tình hình lúc này giống như vào năm 2003, khi Tổng thống Mỹ hồi đó là ông George W. Bush nhờ cậy vào sự giúp đỡ của Trung Quốc để đối phó với Triều Tiên. Ông nói rằng có một quan điểm hiện nay là người Trung Quốc sẽ chỉ thực sự vào cuộc khi xung đột quân sự xảy ra đến nơi. Nhưng tình hình hiện nay chưa đến mức như vậy, trong đó tính đến cả quan điểm của Trung Quốc về vị trí của họ trên thế giới.

Năm 2003, Trung Quốc cũng đã có hành động với Triều Tiên, trong đó có việc cắt nguồn cung dầu.

“Trung Quốc nói rằng họ có những vấn đề kỹ thuật, nhưng biện pháp của Trung Quốc có thể gây tác động ngay lập tức ở Triều Tiên. Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về dầu và nhiên liệu. Nếu chúng ta thấy những báo cáo về điều đó thì nghĩa là Trung Quốc đang mạnh tay”, ông Park nói.

Một lĩnh vực mà Trung Quốc có thể gây tổn thất cho Triều Tiên là mua sắm vật liệu phục vụ chương trình vũ khí. Ông Park cho rằng người Triều Tiên có các đặc vụ chịu trách nhiệm mua sắm vật liệu vũ khí ở Trung Quốc. Ông Park cho rằng Trung Quốc có thể bắt đầu bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên.

Theo ông Park, Trung Quốc sẽ không nói nhiều về Triều Tiên, và những phát biểu công khai của họ có thể cho rằng đó là vấn đề Mỹ phải giải quyết. “Họ không muốn bị nhìn nhận là đang hành động vì sức ép của Mỹ”, ông Park nói. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.