Trung Quốc cử đặc phái viên tới Triều Tiên giữa lúc 'nước sôi lửa bỏng'

Ảnh: NationalInterest
Ảnh: NationalInterest
TPO - Có nhiều nguyên nhân giải thích vì sao Trung Quốc cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng trong bối cảnh thế giới quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân và các vụ thử tên lửa Triều Tiên.

Việc ông Tống Đào thăm Triều Tiên ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến thăm Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm lớn của giới quan sát về tình hình bán đảo Triều Tiên.

Ngày 17/11, ông Tống Đào-Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức lên đường thăm Triều Tiên. Tống Đào là vị quan chức cấp Bộ trưởng của Trung Quốc lần đầu tiên thăm Bình Nhưỡng trong vòng 2 năm qua.

So với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đặc phái viên Lý Kiến Quốc-Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ kiêm Tổng thư ký Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thăm Triều Tiên. Tuy nhiên, tại Đại hội 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ cử quan chức cấp Ủy viên trung ương đảng. Điều đó cho thấy, quy cách và cấp bậc của đặc phái viên Tổng Bí thư đã giảm xuống.

Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, thời điểm của chuyến thăm Triều Tiên của đặc phái viên Trung Quốc Tống Đào dường như cho thấy, ông ta hoặc sẽ truyền đạt thông tin về cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Washington của Mỹ cũng đăng bài viết cho rằng, chuyến thăm của ông Tống Đào diễn ra sau một tuần Tổng thống Mỹ Trump thăm Trung Quốc. Tổng thống Trump yêu cầu ông Tập Cận Bình nỗ lực giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tờ Thời báo NewYork cho biết, khi ông Tập Cận Bình hội đàm với ông Trump tại Bắc Kinh vào tuần trước, trọng điểm tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Trong bài viết trên Twitter sau khi rời Bắc Kinh, ông Trump cho biết, ông có ấn tượng sâu sắc về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên luôn là mục tiêu chính sách của Trung Quốc. Do đó, trước mắt vẫn chưa rõ ông Tập Cận Bình có cam kết sẽ áp dụng biện pháp mới nào không.

Giáo sư Thành Hiểu Hà, thuộc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá: "Tôi cho rằng, ông Tống Đào sẽ mang những thông tin rất chính xác về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập Cận Bình và ông Trump". "Ông Tống Đào sẽ đặt trọng điểm vào việc Triều Tiên phải tiến hành đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa", vị giáo sư về quan hệ quốc tế này nhấn mạnh.

Ông Vương Đống-phó giáo sư của Học viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng, hai nước Trung-Mỹ đều có lợi ích chung to lớn và nhu cầu cấp thiết hợp tác trong vấn đề duy trì sự ổn định hòa bình khu vực Đông Bắc Á, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Do đó, chuyến thăm Triều Tiên của ông Tống Đào chắc chắn thu hút sự quan tâm lớn của giới phân tích.

Tuy nhiên, có phân tích cho rằng, chuyến thăm Triều Tiên lần này của ông Tống Đào tuy có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng lại không có mối quan hệ nhiều tới những phát ngôn của ông Trump khi ở thăm Bắc Kinh. Chuyến thăm đơn thuần chỉ là sự trao đổi theo thông lệ về các hoạt động quan trọng trong các kỳ Đại hội đảng giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Lao động Triều Tiên.

Giáo sư Đới Lạc Lý, chuyên gia về vấn đề hai miền Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đánh giá: chuyến thăm Triều Tiên của ông Tống Đào với tư cách là Đặc phái viên Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình là chuyến thăm duy trì sự trao đổi giữa hai đảng, chứ không phải là hoạt động giữa chính phủ hai nước.

Điều đó thể hiện rằng, hai bên đều mong muốn nhấn mạnh mối quan hệ. Ông Tống Đào thăm Triều Tiên với tư cách là Đặc phái viên của Tổng bí thư Tập Cận Bình, điều đó đã thể hiện rằng, cá nhân ông tập Cận Bình đã nỗ lực thúc đẩy khai thông kệnh trao đổi cấp cao với Triều Tiên.

Trong khi đó, tiến sĩ Quách Duệ-Chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu hai miền Triều Tiên của Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) đánh giá: "Đại diện hai bên Trung Quốc và Triều Tiên lựa chọn cấp bậc trao đổi, và xác định thời gian cụ thể cho các chuyến thăm viếng lẫn nhau đã trở thành truyền thống. Điều này không có mối quan hệ với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump."

Đặc biệt, vị chuyên gia này cho biết thêm: "Chuyến thăm Triều Tiên của ông Tống Đào đã thể hiện phía Trung Quốc vui mừng chứng kiến quan hệ hữu hảo song phương tiếp tục duy trì đà phát triển. Tình hình bán đảo Triều Tiên phát triển nhanh chóng theo hướng khiến mọi người quan ngại. Hai đảng vẫn duy trì trao đổi bình thường. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc ổn định quan hệ song phương và tình hình trên bán đảo Triều Tiên."

Như vậy, chuyến thăm của ông Tống Đào diễn ra trong bối cảnh trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Trung Quốc làm nhiều hơn để kiềm chế chính quyền của lãnh đạo Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng. Đồng thời cũng dành những lời "có cánh" với lãnh đạo Trung Quốc rằng, ông đặc biệt ấn tượng với những nỗ lực của nước này trong vấn đề Triều Tiên.

MỚI - NÓNG