Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực

àu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
àu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
TP - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 4/7 cho biết, Việt Nam đã gửi hai văn bản đề nghị Liên Hợp Quốc lưu hành về lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Nội dung chính của hai văn bản này là: Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực, nên không thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; Việt Nam cũng chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa; Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế; Các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ… 

 

Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc, một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Tuyên bố đó liên quan các vùng biển, không giải quyết các vấn đề lãnh thổ. Trên thực tế, những kết luận mà Trung Quốc đưa ra hiện nay mâu thuẫn với chính các phát biểu của Trung Quốc, trong đó có phát biểu của chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. 

Tháng 9/1975, 17 năm sau công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng liên quan việc giải quyết bất đồng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Đặng Tiểu Bình đã nói với nhà lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng “với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”. 

Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của ông Đặng Tiểu Bình, thể hiện nhận thức của Trung Quốc rằng, vấn đề chủ quyền không được dàn xếp có lợi cho phía Trung Quốc qua các phát biểu hay thỏa thuận trước đây. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.


MỚI - NÓNG