Trung Quốc đang hợp thức hóa biển Đông?

Việc Trung Quốc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá ở biển Đông là hoàn toàn vô lý, không có giá trị gì với Việt Nam.
Việc Trung Quốc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá ở biển Đông là hoàn toàn vô lý, không có giá trị gì với Việt Nam.
TP - “Nếu chuyện đó xảy ra sẽ gây phiền hà cho nhiều nước về hàng hải và hàng không quốc tế, nếu đi qua đó phải xin phép họ, đặc biệt là ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền của các nước”. Đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với Tiền Phong.

Trung Quốc muốn hợp thức hóa 80% biển Đông?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đánh giá, những hành động của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua, như việc cải tạo đảo là vi phạm cam kết DOC với yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo đảo khi các bên còn tranh chấp. Bên cạnh đó, việc cấm đánh bắt cá của họ cũng vi phạm DOC. Thượng tướng Rinh cho rằng, cần phải xem xét việc Trung Quốc tôn tạo đảo đó nhằm mục đích gì? Cấm đánh bắt cá nhằm mục đích gì?

Tướng Rinh nhìn nhận, mục đích của Trung Quốc có thể là dần dần hợp thức hóa 80% biển Đông thuộc về Trung Quốc. Từ đó Trung Quốc có thể kiểm soát trên không, trên biển… “Nếu chuyện đó xảy ra sẽ gây phiền hà cho nhiều nước về hàng hải quốc tế, hàng không quốc tế. Nếu đi qua đó phải xin phép họ, điều này sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền của các nước”, Tướng Rinh nhìn nhận.

Nói về những hành động và phát ngôn cứng rắn từ phía Mỹ trong những ngày qua, Tướng Rinh cho rằng, điều đó cũng xuất phát từ chính lợi ích của họ. Đối với hàng hải và hàng không quốc tế, các nước đều có quyền. “Phía Việt Nam giữ nguyên quan điểm không lôi kéo nước thứ 3. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ai đấu tranh cho lợi ích chung thì mình ủng hộ” - ông Rinh nói.

Theo ông Rinh, việc bảo vệ chủ quyền trên biển Việt Nam có nhiều biện pháp, một là duy trì lực lượng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như tuần tra trên biển, kiểm soát trên không. Hai là khuyến khích ngư dân đánh bắt cá để bảo vệ chủ quyền.

Ngư dân vẫn đánh bắt cá

Để tạo động lực hơn cho người dân, theo ông Rinh những giải pháp hỗ trợ cho ngư dân cần nhanh hơn nữa. “Tôi rất ủng hộ chính sách của Đảng, Nhà nước kể cả đánh bắt cá, tuần tra kiểm soát. Nhưng chính sách cụ thể trong thời gian qua còn quá chậm. Người dân đánh cá không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền”.  Khi việc vay vốn của ngư dân còn gặp nhiều khó khăn, theo ông  Rinh, tới đây Chính phủ phải hỗ trợ ngư dân bằng tiền ngân sách của nhà nước, bằng tiền thuế của dân.

“Nhà nước có thể cho ngư dân vay ưu đãi, hoặc hỗ trợ hoàn toàn để ngư dân sửa chữa, mua tàu mới thì càng tốt. Trên biển Đông, công dân Việt Nam có quyền được khai thác tài nguyên thiên nhiên, kể cả trên mặt nước lẫn dưới đáy biển”, ông Rinh cho hay.

Cùng trao đổi về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, việc Trung Quốc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá ở biển Đông là hoàn toàn vô lý, không có giá trị gì với Việt Nam. “Đó là chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, ngư dân vẫn thực hiện đánh bắt cá theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Ông Khoa cho rằng, việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự sau khi Trung Quốc cải tạo một số đảo ở khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là việc cạnh tranh của các nước lớn trên khu vực châu Á Thái Bình Dương.

“Chúng ta vẫn bảo vệ chủ quyền của mình, đồng thời tham gia góp phần ổn định khu vực. Đó là trách nhiệm chung của tất cả các nước, trong đó có cả Mỹ. Lực lượng chức năng của ta vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và bảo đảm cho ngư dân hoạt động trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết: Khi Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của đại biểu thì tới đây Chính phủ sẽ có báo cáo về tình hình biển Đông. Tuy nhiên đến thời điểm này, tôi vẫn chưa biết báo cáo theo hình thức nào. Thường thì có 2 hình thức: Gửi báo cáo tới đại biểu, hoặc Quốc hội sẽ trực tiếp nghe như một phiên họp kín, sau đó sẽ ra thông cáo báo chí. 

MỚI - NÓNG