Trung Quốc đang sử dụng cách làm cũ rích

Trung Quốc đang sử dụng cách làm cũ rích
TP - Ngày 18-8, ông Lý Lệnh Hoa, Nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, đã đăng tải trên mạng xã hội Weibo và diễn đàn mạng Sina.com bài viết cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng cách làm cũ rích để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

> Trung Quốc không thể đưa 'Đường biên giới 9 đoạn' ra để bàn

Yêu sách Đường 9 đoạn (Đường lưỡi bò) của Trung Quốc là phi lý
Yêu sách Đường 9 đoạn (Đường lưỡi bò) của Trung Quốc là phi lý.

Vốn là người có nhiều bài phê phán những quan điểm sai trái của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, bác bỏ Đường lưỡi bò, được quan tâm rộng rãi, bài viết mới của ông Lý Lệnh Hoa có nhan đề “Giải quyết vấn đề Nam Hải (Biển Đông) không nên nhấn mạnh nhân tố lịch sử và đưa ra cách nói mơ hồ”.

Ông viết: “Vấn đề Nam Hải, đặc biệt là vấn đề các nước ven biển phân định ranh giới biển cần phải sớm đàm phán hoà bình giải quyết. Hơn 30 năm qua, thực tiễn phân định ranh giới biển quốc tế cho thấy rõ: các nước ven bờ lấy cấu trúc hình dạng và độ dài bờ biển làm cơ sở để phân giới biển, kết quả phân giới như thế khá công bằng hợp lý và khách quan, đã được chính phủ và nhân dân nhiều nước trong cuộc tán thành và khẳng định”.

Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa.

Ông Lý Lệnh Hoa phê phán: “Những cách làm mơ hồ như nhấn mạnh tư liệu lịch sử và Đường 9 đoạn lịch sử hay căn cứ vào nhân tố địa mạo địa chất đáy biển là đi ngược lại cơ sở lý luận của việc phân định ranh giới biển quốc tế hiện nay”.

“Chúng ta (Trung Quốc) cần phải vứt bỏ những lý luận đã cũ rích, lỗi thời đó, tiếp cận với quốc tế cả về thực tiễn và lý luận. Cần phải hiểu rõ: Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục chủ trương đường biên giới lịch sử thì điểm cơ bản, đường cơ bản lãnh hải mà Trung Quốc đã tuyên bố và chuẩn bị sắp tuyên bố về căn bản chẳng cần thiết nữa”.

Ông phân tích rõ: “Trong một loạt cuốn sách về luật biển quốc tế do Hội pháp luật biển Trung Quốc chủ biên mấy năm gần đây và trong cuốn “Thực tiễn và án lệ luật quốc tế Trung Quốc” do một quan chức ngoại giao xuất bản tháng 3-2011, do những người biên tập và một số tác giả thiếu thái độ nghiên cứu nghiêm túc và khoa học, nhấn mạnh lý luận kéo dài chiều rộng của thềm lục địa những nơi chưa đủ 400 hải lý và tác dụng lịch sử của cái gọi là Đường 9 đoạn, tuỳ tiện giải thích về cách xác định điểm cơ bản, đường cơ bản lãnh hải; nên đã gây nên ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với việc học tập lý luận và phương hướng nghiên cứu của giới pháp lý biển, những người làm công tác phân giới biển, đặc biệt là một số học giả trẻ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi nói về chủ trương vùng quản hạt của Trung Quốc ở Nam Hải đã sử dụng cụm từ “quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận”. Đó là một cách nói mơ hồ, mập mờ, phạm vi khu vực không chuẩn xác, khó hiểu về mặt ý nghĩa pháp lý”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG