Trung Quốc: Dùng tiền hối lộ để... xóa đói giảm nghèo

Trung Quốc: Dùng tiền hối lộ để... xóa đói giảm nghèo
Bị bắt vì nhận hối lộ 22,5 vạn NDT khi đang giữ chức Cục trưởng Giáo dục và Phó Thị trưởng Lâm Tương, Dư Bân lập luận rằng, ông ta đã dùng 15,47 vạn tệ tiền nhận hối lộ chi vào xóa đói giảm nghèo nên không có tội.

Tối ngày 9/7/2004, Dư Bân, Phó chủ tịch thành phố Lâm Tương tỉnh Hồ Nam nhận được thông báo của Cục Phản tham (Chống tham nhũng) thuộc Viện Kiểm sát mời đến để “nói chuyện”. Khi đó Dư Bân nói đã biết trước việc gì đến sẽ đến vì cơ quan chống tham nhũng đã điều tra ông ta từ hơn một tháng nay.

Ngày 17/7, Viện KS phê chuẩn lệnh bắt giam Dư Bân vì “bị nghi ngờ nhận hối lộ”. Viện KS  khu Quân Sơn khởi tố y với lý do: “Trong thời gian từ tháng 4/2001 đến đầu 2003, khi đang giữ các chức Cục trưởng Giáo dục, Phó Thị trưởng Lâm Tương, Dư Bân đã lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ 22,5 vạn NDT”.

Tuy nhiên, Dư Bân nói, “những lời luận tội ấy đều là những lời do tôi chủ động khai với cơ quan điều tra”. Y nói thêm, nếu tôi không nói ra thì chẳng ai biết được, vì cho rằng thành thật là hơn nên tôi đã chủ động khai báo mọi sự thực.

Ngày 25/11/2004, Toà án khu Quân Sơn đã bắt đầu trình tự xét hỏi, bị cáo Dư Bân đã chủ động xuất trình 11 biên nhận và lời làm chứng chứng nhận y đã sử dụng 15,47 vạn tệ tiền nhận hối lộ vào việc công ích và xóa đói giảm nghèo, từ đó cho rằng không thể kết tội y nhận hối lộ.

Tòa án cho rằng, cơ quan điều tra đã làm rõ trong số 22,5 vạn tệ thì có 9,5 vạn là nhận hối lộ, 10 vạn tệ do bạn bè tặng nhưng đây vẫn là thu nhập phi pháp, số còn lại thì không kết luận được vì không đủ chứng cứ.

Tòa bác bỏ lời bào chữa của bị cáo, cho rằng hành vi dùng tiền vào việc công ích chỉ được thực hiện sau khi hành vi nhận hối lộ đã hoàn tất nên không ảnh hưởng gì đến tội nhận hối lộ, nó chỉ có thể xem là một yếu tố để giảm tội.

Ngày 23/12, tòa án đã ra phán quyết: “1- Bị cáo Dư Bân phạm tội nhận hối lộ phải nhận mức án 3 năm tù giam nhưng hoãn thi hành án 5 năm, tịch thu 6 vạn tệ tài sản; 2- Truy thu 9,5 vạn tệ là tiền nhận hối lộ và 10 vạn tệ thu nhập trái phép nộp công quỹ”.

Sau khi tòa tuyên án, Viện KS  Quân Sơn đã kháng tố vì cho rằng “hình phạt quá nhẹ”, còn Dư Bân cũng kháng cáo vì cho rằng “không đáng bị tù”.

Ngày 10/3/2005, Toà án trung cấp Lạc Dương đã mở phiên phúc thẩm. Tại tòa, luật sư biện hộ cho rằng Dư Bân đã sử dụng 15,47 vạn tệ tiền nhận hối lộ chi vào việc giúp các xã nghèo, trường học, bệnh viện giải quyết được nhiều vấn đề, rằng ông ta không có mục đích và động cơ chiếm hữu…

Dư Bân cũng cho rằng mình nhận tiền của người khác chỉ là vi phạm kỷ luật đảng chứ không phạm pháp vì toàn bộ số tiền ấy đã được chi cho việc công ích, về chủ quan y không có ý định chiếm làm của riêng.

Giữa lúc các giới trong xã hội đang tranh cãi kịch liệt về vụ án này thì ngày 7/7/2005, Toà án Lạc Dương đã bác bỏ mọi kháng tố, kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm và hôm 26/7 đã tống đạt quyết định này, Dư Bân đã bày tỏ “rất lấy làm tiếc”.

Án đã tuyên, nhưng dư luận xã hội không vì thế mà yên, trái lại cuộc tranh luận còn sôi nổi hơn, lan rộng hơn. Đa số ý kiến cho rằng Dư Bân không đáng bị phạt tù, rằng “ông ta có cách nghĩ, cách làm thiết thực”, “ông lấy của dân dùng cho dân”, “đó là một kiểu quan phụ mẫu dân độc đáo”, “Sao lại cho rằng Dư Bân có tội? Các quan tham thời nay đều có nhà lầu, xe hơi, tình nhân, còn ông ta thì có gì đâu?”(!)

MỚI - NÓNG