Trung Quốc hoán cải tàu chiến để tuần tra đảo tranh chấp

Trung Quốc hoán cải tàu chiến để tuần tra đảo tranh chấp
TP - Trung Quốc sẽ hoán cải một số chiến hạm đang hoạt động rồi chuyển cho lực lượng hải giám để nâng cao năng lực tuần tra nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

> Trung Quốc khiến cho Nhật 'căng thẳng thần kinh'

Nhóm tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLAN
Nhóm tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu hỗ trợ của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLAN.

Xưa nay, Hải quân Trung Quốc chỉ chuyển giao các tàu chiến đã nghỉ hưu cho lực lượng hải giám. Tuy nhiên, quy định này mới được điều chỉnh, theo đó, các chiến hạm đang hoạt động sẽ được hoán cải rồi chuyển giao cho lực lượng hải giám trong thời gian tới, báo chí chính thống của Trung Quốc đưa tin ngày 13-11.

Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, đơn vị quản lý lực lượng hải giám, chưa thông báo cụ thể về thời điểm chuyển giao.

Các chiến hạm sẽ được tháo dỡ vũ khí, nhưng vẫn nâng cao khả năng hoạt động của các tàu có nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, ông Jin Yongming, nhà nghiên cứu về luật biển của Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nhận định.

Ngoài tàu chiến hoán cải, việc đóng mới tàu tuần tra cũng sẽ giúp nâng cao năng lực của lực lượng hải giám, ông nói.

Mới đây, Trung Quốc quyết định chuyển giao tàu khu trục tên lửa dẫn hướng Nam Kinh (hoạt động từ năm 1986 đến tháng 9-2012) cho lực lượng hải giám. Việc chuyển giao sẽ sớm được thực hiện.

Tàu Nam Kinh có thể chạy với tốc độ 35 hải lý/giờ, trong khi tốc độ tối đa của tàu hải giám hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay chỉ là 20 hải lý/giờ.

Ông Lan Yun, biên tập viên cao cấp của tạp chí quân sự Tàu hiện đại (Trung Quốc) nói rằng, ngoài tốc độ cao, các tàu khu trục hoán cải cũng mạnh mẽ hơn trong trường hợp phải đối đầu tàu đối phương.

“Tuy nhiên, các tàu chiến này quá cũ, sẽ nghỉ hưu trong vòng 3-5 năm tới. Các mẫu tàu khu trục mới sẽ thay thế những mẫu cũ. Vì thế, giới chức có thể chọn cách chuyển một số tàu chiến cho lực lượng hải giám để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các nhiệm vụ thực thi pháp luật”, ông Lan nhận định.

Hiện nay, cả Trung Quốc và Nhật Bản tích cực nâng cấp đội tàu thực thi pháp luật trên biển. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ tiếp nhận thêm nhiều tàu tuần tra, xuồng và máy bay trực thăng, theo nội dung gói kích thích kinh tế trị giá 442,6 tỷ yên (5,3 tỷ USD) được chính phủ nước này phê duyệt tháng trước.

Trong khi đó, Trung Quốc đang gấp rút đóng 36 tàu trọng tải lớn để có thể đưa vào sử dụng trong 1-2 năm tới. Trung Quốc hiện có hơn 400 tàu hải giám, nhưng chỉ có 27 chiếc có trọng tải trên 1.000 tấn.

Ông Lan cho rằng, dù đang đóng mới tàu tuần tra quy mô lớn, Trung Quốc vẫn lạc hậu hơn Nhật Bản về mặt thiết kế và xây dựng tàu. Phải đến năm 2006, Trung Quốc mới đưa tàu trọng tải lớn vào hoạt động.

Trong phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (kéo dài từ ngày 8 đến 14-11 ở Bắc Kinh), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào kêu gọi tăng cường nỗ lực xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển.

Nhà nghiên cứu Jin Yongming nhận định: “Đề cập xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển đã biến việc này thành một chỉ thị chính trị. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư để bảo vệ quyền lợi biển của mình”.

Ông Liu nói rằng, Trung Quốc nên thường xuyên và liên tục tuần tra Điếu Ngư/Senkaku - quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Gia Tùng
Theo People’s Daily, Global Times, Ming Pao

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG