Trung Quốc không ủng hộ cấm vận mới với Iran

Trung Quốc không ủng hộ cấm vận mới với Iran
TPO - Trung Quốc tuyên bố việc áp đặt thêm các lệnh cấm vận mới đối với Iran không phải là cách phù hợp để giải quyết vấn đề hạt nhân đầy tranh cãi của nước này.
Trung Quốc không ủng hộ cấm vận mới với Iran ảnh 1
Khu phức hợp hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh Flick

Phát biểu tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du kêu gọi các bên “tăng gấp đôi các nỗ lực ngoại giao” để thuyết phục Iran chấm dứt chương trình hạt nhân.

Tham vọng hạt nhân của Iran đã là tâm điểm của các cuộc thảo luận ngày 24/9 về chống phổ biến hạt nhân tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, đến nay, Tehran vẫn khẳng định mục đích vì hòa bình của chương trình hạt nhân đang theo đuổi, bất chấp những cáo buộc phát triển vũ khí nguyên tử của phương Tây.

“Chúng tôi cho rằng các biện pháp cấm vận và việc gây áp lực không phải là cách để giải quyết các rắc rối và cũng không có lợi cho những nỗ lực ngoại giao hiện nay về vấn đề hạt nhân Iran.”, bà Khương Du nói.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, ngành công nghiệp dầu khí của Iran chắc chắn sẽ  bị ảnh hưởng do những lệnh cấm vận mới. Và đó chính là lý do giải thích cho việc Bắc Kinh không mặn mà trong việc ủng hộ thêm cấm vận chống Tehran.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau khi Nga ra dấu hiệu có thể chấp thuận thêm những lệnh trừng phạt mới đối với Iran.

Đây được đánh giá là một bước chuyến lớn trong quan điểm của Moscow đối với vấn để hạt nhân của Iran. Trước đây, Nga luôn giữ lập trường phản đối việc bổ sung bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với Tehran.

“Chúng ta cần giúp Iran có những quyết định đúng đắn hơn.”, Tổng thống Nga Medvedev khẳng định sau khi có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nhà  Trắng đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái trên của Nga. “Việc nước Nga sẵn sàng đóng vai trò xây dựng hơn (trong vấn đề hạt nhân Iran) là cực kỳ quan trọng”, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nói.

Theo giới quan sát quốc tế, việc Nga thay đổi quan điểm một phần là do tuyên bố của Tổng thống Obama tuần trước về việc xóa bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu – kế hoạch vốn bị Moscow kịch liệt phản đối với lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Linh Huy
Theo BBC, AP

MỚI - NÓNG