Trung Quốc: Kinh tế ảm đạm, công nhân về quê sớm

Nhiều công nhân ở Quảng Đông, Trung Quốc hết việc đang chờ lên tàu về quê nghỉ Tết. Ảnh: SCMP
Nhiều công nhân ở Quảng Đông, Trung Quốc hết việc đang chờ lên tàu về quê nghỉ Tết. Ảnh: SCMP
TP - Nhiều người ở nhà ga Phật Sơn đang chuẩn bị cho một chuyến đi dài để về quê ăn Tết trong tâm trạng lo lắng, vì các nhà máy sản xuất ở tỉnh Quảng Đông hứng chịu cảnh sụt đơn hàng.

Chị Liu Mei và chồng, anh Chu Yangjian, đều từ tỉnh Hồ Nam đến Quảng Đông làm công nhân. Hai vợ chồng vừa nhận được thông báo từ chủ nhà máy rằng, năm nay họ được về quê ăn Tết sớm. Hôm qua, họ đến ga Phật Sơn để đáp chuyến tàu 12 giờ để về quê. Được dành nhiều thời gian hơn để ăn Tết với gia đình không phải là tin vui đối với họ. Hai vợ chồng được về quê sớm chỉ vì nhà máy nơi họ làm việc bị sụt giảm đơn đặt hàng, sản xuất đình trệ.

Nhưng đó không phải tình cảnh của riêng cặp vợ chồng này. Cái bóng suy thoái kinh tế trùm lên rất nhiều lao động di cư đang đứng chờ ở nhà ga Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, hôm 25/1 - một ngày lạnh kỷ lục ở tỉnh này trong nhiều thập kỷ qua.

“Việc làm ăn năm nay không tốt. Khối lượng công việc của chúng tôi giảm đáng kể, lương của chúng tôi thường xuyên bị chậm 2 tháng. Nhiều người như chúng tôi được nghỉ Tết sớm”, chị Liu, 38 tuổi, kể với báo Hong Kong South China Morning Post. Chị Liu và chồng cùng làm trong một xưởng sản xuất đồ nội thất ở thành phố Phật Sơn.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng này vẫn vui vì sớm được gặp các con sau 1 năm xa cách. Hai con, một lên 9 và một 14 tuổi, đang sống ở quê nhà thuộc huyện Tân Hoa, tỉnh Hồ Nam. Chúng nằm trong số hàng chục triệu đứa trẻ được gọi là “những em bé bị bỏ lại phía sau” ở Trung Quốc. “Tôi nhớ chúng mỗi ngày nhưng chúng tôi có thể làm gì được chứ? Chúng tôi rất khó tìm việc ở Tân Hoa”, chị Liu thổ lộ.

Trong số những công nhân di cư ở Phật Sơn, anh Luo Cheng và vợ cũng về quê ăn Tết sớm hơn mọi năm 1 tuần. Cặp vợ chồng này cho biết, năm 2015 âm lịch, nhà máy giầy nơi họ làm việc nhận được ít đơn đặt hàng hơn, nên muốn cắt giảm lương phải trả cho công nhân bằng cách cho họ nghỉ sớm. Hai vợ chồng này mang theo 6 túi hành lý cồng kềnh để chuẩn bị cho chuyến đi dài 8 giờ để về quê ăn Tết, trong tâm trạng bất an vì không biết công việc của họ sau dịp nghỉ Tết sẽ ra sao.

“Chúng tôi có một con trai 12 tuổi đang sống cùng ông bà ở quê. Bố mẹ chúng tôi đã ở tuổi 60. Chuyến trở về quê rất dài và vất vả, nhưng cũng đáng”, anh Luo, 40 tuổi, nói khi đang vội lên tàu.

Hủy chuyến vì giá rét

Trong khi đó, một số công nhân mong ngóng về quê không may mắn như vậy để có thể về nhà sớm. Một bảng thông báo dán ở nhà ga Phật Sơn cho biết, 9 chuyến tàu hôm thứ Bảy vừa qua, 8 chuyến hôm Chủ nhật và 5 chuyến hôm thứ Hai bị hủy do gió mạnh, mưa tuyết đến từ trận lốc xoáy vùng cực gây ra thời tiết lạnh giá bất thường trên khắp Trung Quốc.

Anh Liu Jianyun, 32 tuổi, là một trong số công nhân di cư kém may mắn vì chuyến tàu về thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, bị hủy. Anh Liu là công nhân nhà máy kim loại ở Phật Sơn được 11 năm nay. Anh phải đợi suốt 6 tiếng ở nhà ga để lấy lại tiền vé và mua vé cho một chuyến tàu khác. Vợ anh và con gái 6 tuổi ở quê đang rất mong chờ anh về vì mỗi năm anh chỉ về nhà một lần. Liu nói rằng, anh rất bực vì sự chậm trễ của nhà ga và nhiều chuyến tàu bị hủy.

Tết âm lịch, bắt đầu từ ngày 8/2 tới, là một trong những kỳ nghỉ quan trọng nhất cho sự đoàn tụ gia đình ở Trung Quốc. Vài triệu công nhân di cư trở về nhà trong dịp này bằng cách bắt tàu, xe buýt, ô tô, thậm chí đi xe máy. Họ thường bắt đầu hành trình về quê 15 ngày trước Tết, rồi trở lại nơi làm việc khoảng 25 ngày sau đó.

Chứng khoán Trung Quốc hôm qua giảm 6% - xuống mức nhất trong 14 tháng qua, sau khi giá dầu tiếp tục giảm. Hiện tượng này một lần nữa làm gia tăng quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dẫn đến hiện tượng bán tháo trên các thị trường khắp thế giới. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, chứng khoán Trung Quốc đã mất 22% do lo ngại về kinh tế tăng trưởng chậm lại. Giới đầu tư còn lo ngại về nguy cơ đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu đi, cho dù ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ tỷ giá trung bình hằng ngày hầu như không thay đổi kể từ đợt giảm giá hồi đầu tháng này khiến thị trường phản ứng mạnh, Reuters đưa tin.

Theo Theo SCMP, Xinhua, China Daily
MỚI - NÓNG