Trung Quốc lần đầu có máy bay thương mại tự sản xuất

Chiếc C919 tại cuộc thử nghiệm cuối cùng hồi tháng 4 tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải. Ảnh: CNN.
Chiếc C919 tại cuộc thử nghiệm cuối cùng hồi tháng 4 tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải. Ảnh: CNN.
TP - Sau 3 năm bị trì hoãn, chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay chở khách C919 do Trung Quốc tự sản xuất dự kiến diễn ra ngày 5/5 tại sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải.

Theo Tân Hoa Xã, C919 là loại máy bay động cơ đôi, thân hẹp, sức chở 168 người, tầm bay 5.500km, do Tổng công ty Hàng không thương mại Trung Quốc (Comac) sản xuất, lắp ráp.

Dù máy bay được phát triển và lắp ráp trong nước, nhưng 16 công ty nước ngoài cung cấp các thành phần cốt lõi. Các bộ phận quan trọng như hệ thống động cơ và hệ thống điện tử vẫn phải đặt từ các hãng nước ngoài, trong đó có General Electric. Năm 2014, Trung Quốc bỏ ra 482 triệu USD để mua linh kiện từ các nhà sản xuất máy bay Mỹ.

Chuyến bay đầu tiên dự kiến diễn ra năm 2014 nhưng không thành do trục trặc kỹ thuật. Tháng 11/2015, lần đầu tiên C919 xuất hiện chính thức trong một buổi giới thiệu ở Thượng Hải với sự tham dự của hơn 4.000 quan khách. Từ đó, nó trải qua 118 bài kiểm tra trên mặt đất. Dự án sản xuất máy bay được Trung Quốc đưa ra vào năm 2008.

Comac đã nhận được 570 đơn hàng từ 23 khách hàng, chủ yếu là các hãng vận tải quốc doanh Trung Quốc và các công ty cho thuê, bao gồm Air China, China Southern Airlines, China Eastern, Citic Financial Leasing. Việc giao hàng cho khách hàng đầu tiên, công ty ICBC Leasing, dự kiến diễn ra vào năm 2018. Comac nói rằng, tính đến năm 2035, Trung Quốc có thể bàn giao 6.865 máy bay.

Trung Quốc từ lâu đã muốn tự phát triển máy bay phản lực, thách thức sự thống trị của Boeing và Airbus. Với C919, Trung Quốc đang hướng tới trở thành một trong những nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới.

C919 có kích thước bằng Airbus A320 và Boeing 737-800, hai loại máy bay phổ biến nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, C919 vẫn còn một chặng đường dài để trở thành máy bay hành khách được ưa chuộng. Nó có thể phải trải qua nhiều tháng, thậm chí nhiều năm thử nghiệm để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, ngoài một rào cản lớn là phải được cấp chứng nhận bay ở không phận quốc tế, C919 thiếu đội ngũ phi công đạt chuẩn.

Dù vậy, C919 đã đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia có thể sản xuất máy bay thương mại như  Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Anh, Pháp, Đức. Trung Quốc hy vọng vượt Mỹ vào năm 2030 để trở thành thị trường hàng không thương mại lớn nhất thế giới.

MỚI - NÓNG