Trung Quốc 'moi' công nghệ Mỹ chế máy bay tàng hình?

Máy bay tàng hình J-20 bay thử nghiệm lần đầu ngày 11-1 tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc)
Máy bay tàng hình J-20 bay thử nghiệm lần đầu ngày 11-1 tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc)
TP - Trung Quốc gần đây tiết lộ J-20, loại máy bay tàng hình đa nhiệm có khả năng đe dọa thế thượng phong của không quân Mỹ. Theo nhiều quan chức quân sự khu vực Balkan, thông qua một chiến đấu cơ bị bắn rơi, Trung Quốc đã kiếm được một số bí quyết công nghệ của Mỹ để chế tạo loại máy bay mới qua mặt radar.

> Trung Quốc xác nhận thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình
> Trung Quốc ‘lộ’ máy bay tàng hình? 

Máy bay tàng hình J-20 bay thử nghiệm lần đầu ngày 11-1 tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc)
Máy bay tàng hình J-20 bay thử nghiệm lần đầu ngày 11-1 tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc) . Ảnh: Defense Aviation

Nhiều quan chức quân sự vùng Balkan và chuyên gia ở một số nước cho rằng, Trung Quốc đã moi bí quyết công nghệ từ chiếc máy bay Nighthawk F-117 của Mỹ bị bắn rơi ở Serbia năm 1999. Nighthawks là dòng máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên trên thế giới.

Ngày 27-3-1999, trong khi NATO ném bom Serbia trong cuộc chiến Kosovo, một tên lửa phòng không của Serbia đã bắn rụng một chiếc Nighthawks. Đây là lần đầu tiên máy bay tàng hình bị bắn rơi. Lầu Năm Góc tin rằng, sự kết hợp giữa chiến thuật thông minh và may mắn tuyệt đối đã giúp tên lửa SA-3 của Liên Xô hạ được chiếc Nighthawks.

Xác chiếc máy bay vương vãi trên một khu vực đất nông nghiệp rộng lớn. Người dân địa phương thu nhặt các bộ phận, trong đó có một số phần to bằng xe hơi loại nhỏ, để giữ làm kỷ niệm.

“Vào thời điểm đó, báo cáo tình báo của chúng tôi cho thấy các điệp viên Trung Quốc lùng sục khu vực chiếc Nighthawks F-117 bị rơi để thu mua các bộ phận do nông dân địa phương nhặt được”, Davor Domazet-Loso, Tổng tham mưu trưởng của Croatia trong cuộc chiến Kosovo, kể lại.

“Chúng tôi tin rằng, phía Trung Quốc đã sử dụng đống vật liệu thu gom được để tìm hiểu các bí mật của công nghệ máy bay tàng hình”, ông Domazet-Loso nói.

Một quan chức quân sự cấp cao của Serbia khẳng định rằng, nhiều mảnh vỡ của chiếc Nighthawks F-117 bị bắn rơi không còn là vật kỷ niệm của người dân mà cuối cùng “nằm trong tay của các tùy viên quân sự nước ngoài”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Lầu Năm Góc chưa có bình luận về việc này.

Các chuyên gia quân sự Nam Tư kiểm tra xác chiếc F-117 bị bắn rơi tháng 3-1999
Các chuyên gia quân sự Nam Tư kiểm tra xác chiếc F-117 bị bắn rơi tháng 3-1999 . Ảnh: Vladimir Dimitrijevic

Theo nhiều chuyên gia quân sự, máy bay tàng hình 2 động cơ Thành Đô J-20 (cất cánh lần đầu ngày 11-1) thể hiện tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ quân sự tối tân. Dù phải mất ít nhất 8 hoặc 9 năm nữa mới được không quân Trung Quốc chính thức sử dụng, nhưng loại máy bay này có thể trở thành kình địch của Raptor F-22, kế vị của Nighthawk và là loại máy bay chiến đấu tàng hình duy nhất hiện được không quân Mỹ sử dụng.

Trung Quốc tiết lộ J-20 vài ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc muốn thể hiện rằng, lực lượng vũ trang của mình ngày càng lớn mạnh.

Dù tuần qua Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ và hai bên gặt hái nhiều kết quả, nhiều người ở Washington coi Trung Quốc là nguy cơ kinh tế đối với Mỹ, đồng thời lo ngại về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Một vài bộ phận của chiếc Nighthawks F-117 bị bắn rơi, trong đó có cánh trái có biển hiệu Không quân Mỹ, vòm kính che buồng lái, ghế phóng, mũ phi công và radio, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không ở thủ đô Belgrade của Serbia. “Tôi không biết chuyện gì xảy ra với những bộ phận còn lại của chiếc máy bay”, Zoran Milicevic, Phó Giám đốc bảo tàng, nói.

Zoran Kusovac, một chuyên gia quân sự đang làm việc tại Ý, nói rằng, dưới thời của Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, Serbia thường chia sẻ thiết bị phương Tây bị thu giữ với đồng minh Nga và Trung Quốc. “Chiếc Nighthawks F-117 bị bắn rơi đứng đầu danh sách thiết bị mà cả Nga và Trung Quốc muốn chia sẻ”, ông Kusovac nói.

Alexander Neill, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (một cơ quan tư vấn quốc phòng có trụ sở ở Anh), đồng quan điểm: “Rất có thể là Serbia và Trung Quốc đã chia sẻ công nghệ họ thu nhận được từ chiếc F-117”.

F-117 cũng giúp Nga cùng phát triển máy bay tàng hình?

Mẫu máy bay tàng hình Sukhoi T-50 của Nga cất cánh lần đầu tiên hồi năm ngoái và sẽ phục vụ không quân nước này sau khoảng 4 năm nữa. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Nga cũng thu lượm kiến thức về công nghệ tàng hình từ chiếc Nighthawks F-117 rơi ở Serbia. F-117 được bí mật phát triển vào thập niên 70 của thế kỷ trước và bắt đầu phục vụ không quân Mỹ vào năm 1983.

Tuy không hoàn toàn vô hình đối với radar, hình dáng và lớp mạ hấp thu radar của F-117 khiến việc phát hiện loại máy bay này gần như trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Một số phần ở cánh và đuôi máy bay được làm từ phi kim với cấu trúc rỗ tổ ong nên chúng không phản xạ sóng radar.

Ông Kusovac nói rằng, thấu hiểu công nghệ quan trọng này, đặc biệt là lớp mạ bên ngoài hấp thu phát xạ, đã giúp Trung Quốc cải tiến công nghệ máy bay tàng hình. Ông Alexander Huang công tác tại Trường Đại học Tamkang (Đài Loan) nói rằng, J-20 là bước tiến lớn của quân sự Trung Quốc.

Vị chuyên gia về không quân Trung Quốc này nhận định: “Đối với công nghệ tàng hình của J-20, không có khởi nguồn nào tốt hơn Nighthawks F-117. Nhận định của Tổng tham mưu trưởng Croatia là xác đáng”.

Thái An
Theo AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG