Báo Úc:

Trung Quốc mua chuộc các nước ủng hộ yêu sách

Bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Vanuatu đăng trên báo Daily Post của Vanuatu để tuyên truyền về quan điểm của Bắc Kinh đối với vấn đề biển Đông. Ảnh: Sydney Morning Herald
Bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Vanuatu đăng trên báo Daily Post của Vanuatu để tuyên truyền về quan điểm của Bắc Kinh đối với vấn đề biển Đông. Ảnh: Sydney Morning Herald
TP - Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch tấn công quyến rũ khắp khu vực nam Thái Bình Dương nhằm lấy được sự ủng hộ ngoại giao của họ đối với chuỗi đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên biển Đông.

Theo bài viết “Tranh chấp trên biển Đông: Bắc Kinh đang đổi viện trợ lấy ủng hộ đòi hỏi chủ quyền” đăng trên báo Úc The Sydney Morning Herald hôm 6/6, Vanuatu là nước đầu tiên ở Thái Bình Dương công bố họ “thấu hiểu và ủng hộ” quan điểm của Bắc Kinh đối với tranh chấp trên biển Đông.

Những năm gần đây, Trung Quốc vươn lên trở thành một trong những nước cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất ở khu vực vốn do Úc thống trị. Bắc Kinh đang nhằm đến Samoa, Tonga và Papua New Guinea để giành được ủng hộ từ họ. Nhưng tuyên bố trước đó của Trung Quốc rằng họ đã được Fiji ủng hộ yêu sách chủ quyền đã sớm bị chính phủ Fiji bác bỏ.

Các quốc gia nhỏ bé trên Thái Bình Dương đang bị Trung Quốc lôi kéo trước thềm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Bắc Kinh mà Philippines đệ đơn. Dự kiến, phán quyết của tòa sẽ được đưa ra trong tháng này, trong khi Mỹ và các đồng minh như Úc đang theo dõi chặt chẽ vì lâu nay họ luôn chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Không quốc gia nào trên Thái Bình Dương liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở biển Đông, nhưng TS Tess Newton Cain ở hãng tư vấn TNC Pacific Consulting tại thủ đô Port Vila của Vanuatu nói rằng, Trung Quốc đang thể hiện sự có mặt của mình tại đây như một cường quốc khu vực với tầm quốc tế. 

Thủ tướng Vanuatu, ông Charlot Salwai, tháng trước đưa ra một tuyên bố công khai ủng hộ Bắc Kinh, chỉ trích các tiến trình pháp lý và cho rằng các đòi hỏi chủ quyền “phải dựa trên thực tế văn hóa và lịch sử”. Đại sứ Trung Quốc tại Vanuatu còn xuất hiện trong bài viết dạng hỏi đáp dài cả trang trên báo Daily Post để nhắc lại những quan điểm của nước này về tranh chấp trên biển Đông.

“Còn những nước khác trên Thái Bình Dương mà chúng tôi cho rằng sẽ lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, bao gồm Samoa và Tonga, nơi đang có ngày càng nhiều đầu tư từ Trung Quốc dưới hình thức viện trợ hoặc cho vay như chúng ta thấy ở Vanuatu”, TS Cain nói.

Trung Quốc không giấu giếm việc họ đang tìm kiếm sự ủng hộ. Ở cái được gọi là cuộc họp báo hiếm hoi tại Samoa vào tháng trước, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng nói rằng, Bắc Kinh là “nạn nhân” trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. 

Trong khi đó tại Tonga, Đại sứ Trung Quốc phát biểu một cách vô căn cứ, phi lý đến nực cười: “Người Trung Quốc là những người đầu tiên tìm thấy, đặt tên và phát triển các đảo trên biển Đông; Việt Nam, Malaysia và Philippines chỉ tuyên bố chủ quyền từ những năm 1970 sau khi phát hiện ra trữ lượng dầu khí”.

Ngoại trưởng Papua New Guinea, ông Rimbink Pato, nói trên đài phát thanh New Zealand rằng, Trung Quốc đã đề nghị công khai Papua New Guinea ủng hộ họ, nhưng Papua New Guinea chờ đợi tranh chấp được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Hãng thông tấn Xinhua đưa tin hồi tháng 4 rằng, Ngoại trưởng Fiji và Trung Quốc đã đồng ý ra tuyên bố chung ủng hộ “đề nghị của Trung Quốc” và những nỗ lực giải quyết vấn đề biển Đông “thông qua tham vấn hữu nghị” thay vì hành động pháp lý. 

Nhưng một ngày sau cuộc họp này, báo chí chính phủ Fiji khẳng định, nước này không đưa ra ủng hộ nào như vậy với Trung Quốc. Còn Quốc đảo Solomon, Tuvalu, Kiribati và Nauru đều có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc đại lục.

Đài Loan không chấp nhận ADIZ trên biển Đông

Quan chức phụ trách quốc phòng mới được bổ nhiệm của Đài Loan, ông Feng Shih-kuan, hôm qua tuyên bố, Đài Loan sẽ không thừa nhận bất kỳ vùng nhận diện phòng không (ADIZ) nào mà Trung Quốc đại lục tuyên bố trên biển Đông. 

Báo cáo của cơ quan an ninh Đài Loan cảnh báo, nếu Bắc Kinh làm như vậy có thể sẽ châm ngòi cho một làn sóng căng thẳng khu vực. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 5/6 nói rằng, Mỹ  coi việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên biển Đông là hành động “khiêu khích và gây mất ổn định”.

Hôm qua, phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Kerry nói ông muốn tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp trên biển Đông.

 “Quan điểm duy nhất của chúng tôi là, hãy giải quyết điều này (tranh chấp) thông qua luật pháp, thông qua ngoại giao, thông qua đàm phán, và chúng tôi thúc giục tất cả các nước tìm kiếm một giải pháp ngoại giao bắt nguồn từ các tiêu chuẩn quốc tế và pháp quyền”, ông Kerry nói. 

Còn Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì vẫn không ngại khẳng định Trung Quốc “kiên quyết đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển”.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ và Trung Quốc “nên tăng cường tin cậy lẫn nhau” và xử lý đúng đắn những khác biệt. Ông Tập cũng kêu gọi hai nước thường xuyên trao đổi để thiết lập “lòng tin chiến lược cơ bản”. Đối thoại diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington mâu thuẫn vì những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.