Trung Quốc muốn Mỹ quản lý rủi ro trên biển Đông

Nhóm lính Trung Quốc đứng nhìn tàu USS Blue Ridge của Mỹ vào cảng Thượng Hải hôm 5/6. Ảnh: AP
Nhóm lính Trung Quốc đứng nhìn tàu USS Blue Ridge của Mỹ vào cảng Thượng Hải hôm 5/6. Ảnh: AP
TP - Hai vị tướng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc hôm qua điện đàm để tìm cách xuống thang căng thẳng trên biển Đông. Hai bên khẳng định sẵn sàng tìm ra một cơ chế hiệu quả để ngăn ngừa đối đầu và duy trì ổn định ở khu vực.

Theo thông tin đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy nói với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford trong một cuộc họp truyền hình rằng, Trung Quốc coi trọng tự do hàng hải “hơn bất kỳ đất nước nào trên thế giới”. Phủ nhận rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng gần đây, tướng Phòng nói Trung Quốc muốn tăng cường liên lạc và hợp tác với Mỹ để ngăn vấn đề làm ảnh hưởng quan hệ chung.

“Nhận thức chung và triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ vượt xa những bất đồng và mâu thuẫn giữa chúng ta”, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Phòng. “Trung Quốc cũng muốn lấy bức tranh lớn hơn trong quan hệ song phương Trung - Mỹ là cơ sở tiếp cận vấn đề biển Hoa Nam (biển Đông)”, ông Phòng nói. Vị tướng này nói rằng, hải quân hai nước nên kiềm chế những hành động có thể làm tổn hại quan hệ và quân đội hai nước nên tăng cường trao đổi và hợp tác để quản lý các nguy cơ. Ông Dunford nhắc lại lời kêu gọi của ông Phòng về việc kiềm chế trên biển Đông và nói rằng, Mỹ sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để đẩy mạnh trao đổi về vấn đề này, Xinhua đưa tin.

Cuộc điện đàm diễn ra sau những lời qua tiếng lại gay gắt giữa hai bên sau chuyến tuần tra của một tàu khu trục của Mỹ vào sát đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên biển Đông. Chuyến tuần tra nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải.

Trung Quốc nói rằng, họ cử 2 máy bay chiến đấu hải quân, 1 máy bay cảnh báo sớm và 3 tàu ra theo dõi và cảnh báo tàu USS William P. Lawrence khi tàu này đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). 12 hải lý là giới hạn mà luật quốc tế công nhận đối với vùng biển quanh một hòn đảo hình thành tự nhiên. Đá Chữ Thập thường bị ngập nước khi thủy triều lên, nhưng nay đã trở thành một đảo nhân tạo với một đường băng dài, bến cảng và hệ thống cơ sở hạ tầng đang được phát triển với mức độ vượt xa tất cả những thực thể khác trong khu vực tranh chấp.

Nhân vật số 2 trong quân đội Trung Quốc gần đây ra thăm trái phép đá Chữ Thập và chuyến biểu diễn của đoàn văn công nước này trên đó cũng được đưa tin rầm rộ trên báo chí Trung Quốc. Trung Quốc ngang nhiên nói rằng “những hành động khiêu khích” như chuyến tuần tra của tàu Mỹ chứng minh việc Bắc Kinh gia tăng “tất cả các hạng mục quân sự” trên các căn cứ đảo ở biển Đông là đúng.

Tại Washington, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hôm 12/5 nói rằng, những chuyến tàu đi qua vô hại như vậy là hoạt động định kỳ chỉ nhằm củng cố quyết tâm của Hải quân Mỹ trong việc “bay, hoạt động và đi tàu ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”. “Và chúng tôi chắc chắn không muốn thấy căng thẳng gia tăng, vì hoạt động thương mại rộng rãi đang diễn ra ở khu vực này sẽ bị đe dọa”, ông Earnest nói.

Bắc Kinh đang khơi mào xung đột

Trang tin Quartz vừa đăng bài viết cho rằng, Trung Quốc đang tạo nên những yếu tố của một cuộc chiến trên biển Đông thông qua các bước: đòi chủ quyền; tạo ra các tiền đồn trên biển và biến chúng thành căn cứ quân sự; thể hiện phẫn nộ nếu bất kỳ ai đến gần những tiền đồn này và lớn tiếng lên án nước khác khiêu khích; khi các tiền đồn gần trở thành căn cứ quân sự thực sự thì ra rả đáp trả “những hành động khiêu khích”; khi các cơ sở hạ tầng hoàn thiện thì sẵn sàng cho chiến tranh, và khi đó đã có danh sách hàng loạt hành động “khiêu khích” của nước khác để bắt đầu một cuộc xung đột.

Nhưng Trung Quốc không chỉ dựa vào quân đội. Nước này còn có đội tàu đánh bắt rất hùng hậu, tạo nên ngành đánh bắt lớn nhất thế giới. Nhiều năm qua, Bắc Kinh trả tiền cho đội tàu đi đánh bắt gần các tiền đồn tranh chấp trên biển Đông, cho dù những tàu này không bắt được nhiều hải sản. Nhưng đội tàu này vẫn cần mở rộng hoạt động vì những biển gần bờ của họ đã gần cạn kiệt. Họ ngày càng phải đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, như họ đang làm hiện nay. Với việc lập ra các tiền đồn và kiểm soát vùng biển, quân đội Trung Quốc có thể hỗ trợ tốt hơn chiến dịch đội tàu nước họ cướp cá trên những vùng biển xa hoặc tranh chấp.

Những hoạt động kiểu cướp cá đó thường đối đầu lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc hải quân nước ngoài. Khi các nước khác đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển và đầu tư vào công nghệ giám sát, như trường hợp của Indonesia, thì những vụ đối đầu dễ xảy ra trong tương lai. Bắc Kinh còn kích động chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng Trung Quốc rằng, vùng biển này thuộc về họ, điển hình là chuyến biểu diễn của đoàn văn công nước này ra đá Chữ Thập.

Nói cách khác, Bắc Kinh đang thúc đẩy những đòi hỏi chủ quyền thái quá của họ trên biển Đông, và sẽ dùng bất kỳ sự phản kháng nào làm lý do để thúc đẩy những yêu sách phi lý đó. Trung Quốc vạch ra những tình huống để có thể đáp trả trắng trợn hơn, bây giờ hoặc trong tương lai, Quartz nhận định.

Truy tố cựu phó chủ tịch Chính Hiệp

Ngày 13/5, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc thông báo đã truy tố ông Lệnh Kế Hoạch, cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Chính Hiệp), với tội danh lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ, tiếp cận trái phép các bí mật quốc gia. Trước đó, ông này bị bãi miễn chức vụ Phó Chủ tịch Chính Hiệp, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, Xinhua đưa tin.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.