Trung Quốc ngày càng bị cô lập

Tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép bị bắt
Tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép bị bắt
TP - Trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên thế giới, nhiều quốc gia đã mạnh tay với Trung Quốc như Nga trục xuất các doanh nhân Trung Quốc, Hàn Quốc không sử dụng quốc kỳ “Made in China”, Mỹ bắt giữ tàu Trung Quốc đánh bắt trộm… thậm chí Triều Tiên ban hành văn bản nội bộ gọi Trung Quốc là “nước láng giềng tàn ác”.

Nga trục xuất các doanh nhân Trung Quốc

Báo điện tử Wenxuecity của cộng đồng Hoa ngữ ngày 6/6 cho biết, báo Độc lập của Nga đã đăng bài cảnh báo việc cho các ông chủ người Trung Quốc thuê đất canh tác ở vùng Viễn Đông đã dẫn đến nguy cơ môi trường sinh thái bị phá hoại do họ sử dụng vô tội vạ phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. 

Một số báo Nga cũng cho rằng: trong vấn đề cho người nước ngoài thuê đất canh tác hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp ở Viễn Đông, Nga cần coi trọng việc hợp tác với Nhật vì kỹ thuật canh tác của nông dân Nhật tiên tiến hơn và họ cũng chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, tạp chí Tin tức nước Nga gần đây cũng đăng bài cho biết, một số lượng lớn các nhân viên an ninh và cảnh sát khu vực biên giới Krasnodas đã được huy động bao vây nông trường rau do người Trung Quốc thuê đất trồng ở làng Lvov và đã trục xuất toàn bộ 800 lao động người Trung Quốc trong vòng 24 giờ với lý do không có giấy phép lao động.

Bài báo cho biết: một người Trung Quốc lấy tên Nga là Shasa hồi năm 2008 đã mua 260 ha ở vùng này để trồng rau xanh, dưa và cà chua rồi tiêu thụ sản phẩm tại nhiều thành phố lớn của Nga, thậm chí cả ở Matxcơva. 

Thế nhưng, nông trường của Shasa đã vấp phải sự căm ghét và tẩy chay của người dân địa phương. Các nông dân bản địa cho rằng: các nông dân Trung Quốc đã sử dụng quá nhiều các phân bón và hóa chất để kích thích sự tăng trưởng của rau quả, phá hoại môi trường và gây nhiễm độc rau quả. 

Họ đã làm đơn phản kháng lên chính quyền, thậm chí xông vào lấp các giếng nước. Cuối cùng là chính quyền địa phương trục xuất các nông dân Trung Quốc. “Shasa” cũng bị trục xuất, ông ta bỏ lại Nga tất cả tài sản, bao gồm các cánh đồng rau chưa thu hoạch, máy móc nông cụ…Ông ta buộc phải bán lại khu đất đã mua cho một người Nga với giá rẻ mạt.

Ông Nicosky, một nhà hoạt động nhân quyền Nga nói: “Những sự kiện như thế này đã phản ánh chân thực quan hệ Nga-Trung và xã hội Nga nhìn nhận Trung Quốc như thế nào. Hiệp định mua bán khí đốt mà ông Putin ký kết khi thăm Trung Quốc đã dấy lên những tiếng nói phản đối ngày càng mạnh ở Nga. Hợp đồng mua bán này gây nên những tranh cãi lớn. 

Nhiều người cho rằng: trong lúc khó khăn, Nga đã không được người Trung Quốc hiểu và giúp đỡ, thậm chí họ còn lợi dụng cơ hội này để cướp đoạt tài nguyên của Nga. Tâm trạng bất bình này lan rộng trong các giai tầng xã hội Nga, thậm chí những người ủng hộ ông Putin cũng rất bất bình. Vì vậy, việc Kremli đột nhiên gần gũi Trung Quốc không thay đổi được cách nhìn của xã hội Nga đối với Trung Quốc”.

Cựu Phó thủ tướng Nga Kasiyanov mới đây cũng phê phán hợp đồng bán khí đốt cho Trung Quốc khiến Nga bị thiệt hại về kinh tế vì Trung Quốc không tài trợ cho việc lắp đặt đường ống dẫn hay đầu tư mở các mỏ mới. 

Ông Yablinski, chính trị gia và nhà kinh tế nổi tiếng, cựu lãnh tụ Tập đoàn Yabolo trước đây, cũng phê phán: hợp đồng mua bán khí đốt sẽ khiến Nga bị phụ thuộc vào khách mua Trung Quốc, để cho Trung Quốc giành thế chủ động về giá gas.

Hàn Quốc: Không sử dụng quốc kỳ “Made in China”

Theo báo chí Hàn Quốc số ra ngày 4/6, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thay việc sử dụng quốc kỳ giá rẻ nhập của Trung Quốc bằng sản phẩm làm ở trong nước dù gia đắt gấp 9 lần.

“Nếu đọc báo của Nga, Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam thì thấy họ bắt các tàu cá Trung Quốc vượt biên vào đánh bắt trộm, dùng lưới mặt nhỏ, bắt các loại hải sản bị cấm, rùa biển…bạn sẽ hiểu các tàu cá Trung Quốc đánh bắt bừa bãi tới mức nào. Thật là mất mặt!”.  

Một người Trung Quốc giấu tên viết

Theo báo “Chung Ang Ilbo” trước nay chính phủ Hàn Quốc vẫn nhập khẩu số lượng lớn quốc kỳ từ Trung Quốc bởi giá rẻ, nhưng nay theo nguyện vọng và tình cảm yêu nước của dân chúng, họ đã thay bằng dùng hàng làm trong nước. Được biết, mỗi lá cờ nhập của Trung Quốc có giá 14.600 won, còn sản phẩm của Hàn Quốc giá bán 138.000 won, giá cao gấp 9 lần. 

Hai năm gần đây, Hàn Quốc đã nhập hơn 25 ngàn lá quốc kỳ Made in China. Mệnh lệnh của Thủ tướng nêu rõ: Việc chính phủ mua cờ do nước ngoài làm không có gì sai trái, nhưng cờ treo các cơ quan chính phủ, trong đó có Bộ Quốc phòng đều do nước ngoài làm e rằng gây tổn thương tình cảm yêu nước của quốc dân; vì vậy chính phủ Hàn Quốc quyết định dù tăng ngân sách cũng phải treo cờ sản xuất trong nước.

Triều Tiên từ bỏ “giấc mộng Trung Quốc”

Theo mạng Thông tin Triều Tiên của Hàn Quốc ngày 2/6, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã ban hành một văn bản nội bộ thông báo tới các đảng viên, trong đó gọi Trung Quốc là “nước láng giềng tàn ác”.  

Công văn này yêu cầu các công ty, xí nghiệp Triều Tiên giảm bớt giao lưu mua bán với phía Trung Quốc; mặt khác tăng cường quan hệ mậu dịch với Nga, đồng thời giám sát chặt chẽ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt hàng của Trung Quốc, kiểm soát việc giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ chặt chẽ hơn giao dịch bằng USD.

Mỹ bắt giữ tàu Trung Quốc đánh bắt trộm

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển các nước đánh bắt trộm bị bắt quả tang. Hãng tin Mỹ AP ngày 4/6 đưa tin, hôm 3/6, lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ đã dẫn giải một chiếc tàu cá lớn của Trung Quốc vượt qua quãng đường 2.520 hải lý về bờ biển Trung Quốc giao cho Hải cảnh Trung Quốc. 

Chiếc tàu này bị bắt hôm 22/5 khi đang sử dụng loại lưới mắt nhỏ bị cấm để đánh bắt kiểu tận diệt ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương.

Thuyền trưởng con tàu dài 58 mét có tên là “Dần Nguyên” này đã ký biên bản thừa nhận các tội lỗi: được trang bị các phương tiện đánh bắt trái phép như lưới quét mắt nhỏ dài 3.300 mét và đã vứt các ngư cụ trái phép xuống biển để phi tang chứng cứ, bắt số lượng cá quá mức quy định và không có giấy phép đánh bắt.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG