Trung Quốc: Người dân tham gia làm truyền hình

Trung Quốc: Người dân tham gia làm truyền hình
Hầu hết những thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Trịnh Châu hiện đều có chương trình truyền hình được xây dựng từ những đoạn phim do người dân thường ghi lại.

Thực tế cho thấy, những chương trình đó đều rất đông khán giả.

Ở tỉnh Hà Nam, chương trình tin tức “DV (digital video clip) Observation” dài 30 phút, ra mắt từ tháng hai năm nay, đã phát sóng khoảng 1.000 đoạn phim do người dân địa phương gửi đến.

Wang Aiguo, công nhân về hưu ở TP Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam), là một trong số những “phóng viên nghiệp dư” đó. Ông quay những đoạn phim, phần lớn đề cập những vấn đề được nhiều người quan tâm, bằng một camera kỹ thuật số trị giá khoảng 1.100USD.

Đài truyền hình trả từ khoảng 13 đến 16 hoặc 24 USD cho một phút phim được phát sóng, tương đương với thù lao trả cho phóng viên tự do. Điều đó có nghĩa là, những phóng viên công dân như ông Wang làm việc không phải vì tiền. “Tôi không làm việc vì tiền. Lương hưu của tôi đủ để trang trải các khoản chi. Tôi nghĩ đó là một thú vui, chỉ có vậy,” ông Wang nói.

Cui Jianzhong, người phụ trách sản xuất chương trình “DV Observation” nói, “Những công dân của chúng tôi chủ yếu đưa tin về những sự kiện xảy ra quanh họ, từ góc nhìn của họ, khác với cách làm của nhà báo chuyên nghiệp, nhưng rất gần gũi với khán giả.”

“Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện mới mẻ và chân thực được ghi lại trong những đoạn phim của họ. Với suy nghĩ như vậy thì công việc của họ đã góp thêm những góc nhìn bình dân cho báo chí hiện đại,” Liang Hong, người phụ trách sản xuất chương trình "Story" trên kênh truyền hình trung ương CCTV 10, nói.

Tuy nhiên, còn một điều các nhà sản xuất quên chưa nhắc tới, đó là, nhờ có đội ngũ phóng viên nghiệp dư mà nguồn tin của họ trở nên dồi dào trong khi chi phí bỏ ra là không đáng kể.

Phóng viên công dân có lợi thế trong việc đưa tin về những sự kiện bất ngờ bởi vì nhờ tình cờ hoặc may mắn mà họ là người đầu tiên có mặt ở hiện trường. Zhang Lei, một du khách Trung Quốc trở nên nổi tiếng nhờ quay được hình ảnh sóng thần ở Indonesia năm 2004. Đoạn phim của anh đã được kênh tin tức hàng đầu của Trung Quốc là CCTV 1 phát sóng.

Hầu hết những thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Trịnh Châu hiện đều có những chương trình như vậy. Chẳng hạn, chương trình "DV 365" của TP Thượng Hải đã nhận được sản phẩm của hàng trăm người trên khắp cả nước.

Nhưng cũng không ít người phản đối ý tưởng bất kỳ khách qua đường nào đều có thể trở thành phóng viên, đặc biệt là những người bị ghi hình.

Đầu tháng bảy vừa qua, “DV Observation” phát sóng đoạn phim ghi lại cảnh một người nhảy lầu tự tử, làm dấy lên tranh luận chung quanh vấn đề liệu những đoạn phim như vậy có vi phạm quyền riêng tư của cá nhân hay không.

“Cái chết của nạn nhân đã đủ làm cho gia đình đau buồn rồi. Họ sẽ cảm thấy ra sao khi cảnh đó được xuất hiện liên tục trên TV?”, một khán giả viết trên website của đài truyền hình Trịnh Châu.

Nhưng những phóng viên báo hình nghiệp dư thì cho rằng, khó mà gọi đó là chuyện riêng tư khi nó xảy ra ở nơi công cộng. “Một cặp vợ chồng cãi nhau thì đó là chuyện riêng tư. Nhưng nếu họ cãi nhau trên đường phố, làm nhiều người chú ý và ảnh hưởng đến giao thông thì đó không còn là chuyện riêng tư nữa”, ông Wang nói.

Một vài người cũng đặt câu hỏi, liệu một thành viên bình thường của cộng đồng có quyền đưa tin mà không cần giấy phép hành nghề của phóng viên không và liệu những tin tức đó có đáng tin cậy không khi chúng không cần phải đạt những tiêu chuẩn như của phóng viên chuyên nghiệp.

“Chẳng có luật nào nói rằng chỉ có phóng viên chuyên nghiệp mới được đưa tin. Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho mỗi công dân”, ông Guo Zhixin, người tư vấn luật cho chương trình “DV Observation”, nói. Theo ông Gou, biên tập viên chương trình truyền hình phải giữ vai trò người gác cổng và chia sẻ trách nhiệm với phóng viên nghiệp dư.

Các đài truyền hình cho biết, họ rất thận trọng với nội dung phát sóng. “Các nhà sản xuất đã dặn chúng tôi chỉ đưa tin về những vấn đề được nhiều người quan tâm - không đề cập chuyện chính trị hay đời tư của cá nhân”, ông Wang cho biết.

Cùng với blog và ảnh chụp bằng điện thoại di động, các camera kỹ thuật số đang mở ra một con đường mới cho những người dân thường Trung Quốc để họ có thể tham gia tích cực vào thế giới truyền thông. Và tác động của nó đã được thực tế chứng minh.

Theo Nhân Dân/Tân Hoa xã

MỚI - NÓNG