Trung Quốc - Pháp: 18 văn kiện hợp tác sẽ được ký kết

Trung Quốc - Pháp: 18 văn kiện hợp tác sẽ được ký kết
TP - Ngày 25/10, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong 4 ngày.
Trung Quốc - Pháp: 18 văn kiện hợp tác sẽ được ký kết ảnh 1

Tổng thống Pháp Jacques Chirac (trái) tại lễ đón ở sân bay Bắc Kinh ngày 25/10/2006

Báo chí Trung Quốc cho biết trong chuyến thăm này, ông Jacques Chirac có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, các cuộc hội kiến với  Chủ tịch Quốc hội Chu Bang Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac được chờ đợi là sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại Trung-Pháp.

Hai bên sẽ đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực chủ chốt như hàng không, năng lượng hạt nhân, vận tải đường sắt, viễn thông và dịch vụ tài chính.

Ngoài các vấn đề song phương, hai bên cũng thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực. Chẳng hạn trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, ông Chirac dự định sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế tại Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng vừa qua.

Cùng đi với Tổng thống Jacques Chirac trong chuyến đi này có lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế lớn của Pháp và châu Âu như tập đoàn bán lẻ Carrefour, chế tạo máy bay chở khách Airbus, ngân hàng, năng lượngv.v.

Báo chí Trung Quốc ca ngợi Tổng thống Jacquec Chirac vì từ lâu đã có chính chính sách ủng hộ Trung Quốc cũng như những nỗ lực của Pháp trong việc tháo bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí của EU sang Trung Quốc.

 Các quan chức Pháp cho rằng tuy có nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn đi cùng Tổng thống Jacques Chirac tới Bắc Kinh nhưng lần này sẽ không có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Tuy nhiên, hai bên lại dự định nhân chuyến thăm này sẽ ký kết tất cả 18 văn bản hợp tác.

Hiện nay, các tập đoàn của Pháp và Mỹ đang cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc cung cấp các lò phản ứng hạt nhân phát điện cho Trung Quốc. Tổng thống Jacques Chirac chắc sẽ nhân chuyến thăm này vận động các nhà lãnh đạo Trung Quốc tạo điều kiện cho tập đoàn kinh tế quốc doanh của Pháp Areva tham gia các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá tổng cộng 8 tỷ USD của Trung Quốc.

Tập đoàn tài chính Pháp Societe Generale cũng đang cạnh tranh với tập đoàn Citigroup của Mỹ để giành một hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng trị giá 3 tỷ USD. Citigroup hiện đang đi trước một bước so với Societe Generale trong việc thương lượng mua Ngân hàng Quảng Đông là ngân hàng đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ và nợ đầm đìa.

Lãnh đạo tập đoàn cơ khí chế tạo Pháp Alstom SA tham gia đoàn của Tổng thống Jacques Chirac cũng hy vọng trong chuyến thăm này giành được một hợp đồng của phía Trung Quốc mua khoảng 500 đầu máy xe lửa chở hàng do Alstom chế tạo với tổng trị giá khoảng 1,25 tỷ USD. Hãng Alstom sẽ liên kết với Cty đầu máy xe lửa chạy điện Datong Trung Quốc để ký kết và thực hiện hợp đồng này.

Đại diện của hãng chế tạo máy bay chở khách Airbus của châu Âu cơ sở tại Pháp hiện cũng đang chờ đợi phía Trung Quốc phê duyệt các kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp máy bay Airbus lần đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ EU.

Nhà máy này dự định sẽ được xây dựng tại thành phố Tianjin phía Đông Trung Quốc. Pháp hy vọng nếu nhà máy này được xây dựng ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc bán nhiều máy bay chở khách Airbus cho các hãng hàng không dân dụng Trung Quốc và khu vực châu Á.

Trong thời gian ở thăm, Tổng thống Pháp Jacques Chirac được mời tham dự lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi du lịch Peugeot Citroen ở thành phố Vũ Hán. 

MỚI - NÓNG