Trung Quốc: “Phát đạt” kinh doanh nội tạng

Trung Quốc: “Phát đạt” kinh doanh nội tạng
Vài năm nay, Trung Quốc phát triển mạnh công nghiệp ghép tạng, thu hút rất đông người nước ngoài tìm đến điều trị. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đó, có những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, như việc kinh doanh nội tạng tử tù...

Một điều tra bí mật của BBC công bố hôm 27-9 cho thấy việc kinh doanh nội tạng tử tù tại TQ đang rất “phát đạt”, đáp ứng nhu cầu của nhiều bệnh nhân nước ngoài.

Trong vai làm người muốn thay gan cho cha bị bệnh, phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes tìm đến Bệnh viện Trung ương 1 Thiên Tân và được cho biết chỉ trong 3 tuần sẽ có ngay một lá gan thích hợp với chi phí ghép 94.000 USD, nguồn gốc gan được chính bác sĩ giải phẫu trưởng xác nhận là từ một... tử tù.

Nguồn cung “dồi dào”

TQ là nước có nhiều án tử hình, theo Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), có ít nhất 1.770 tù nhân bị thi hành án trong năm 2005. Bộ Y tế TQ không phủ nhận việc sử dụng nội tạng tử tù nhưng cho biết đang xem xét lại cơ chế này cùng các quy định liên quan.

Theo một quan chức, tử tù tự nguyện hiến nội tạng của họ như là “quà tặng cho xã hội”. Tại Hội nghị ghép gan quốc tế tháng 7-2005, Thứ trưởng Y tế TQ Huang Jiefu cũng thừa nhận phần lớn ca ghép gan ở TQ là nhờ nguồn từ tử tù.

Hồi tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Qin Gang cho biết nước này có sử dụng nội tạng tử tù, nhưng chỉ trong “rất ít trường hợp” và không ép buộc mà chỉ khi được tử tù đồng ý. Tuy nhiên, theo BBC, thật khó mà biết được tử tù có thật sự tự nguyện hiến tặng ngay trước khi bị thi hành án hay không.

Du lịch ghép tạng!

Ghép tạng là một công nghiệp lớn ở TQ. Các số liệu chính thức cho thấy có khoảng 60.000 ca ghép thận, 6.000 ca ghép gan, 250 ca ghép tim được thực hiện ở TQ từ năm 1993.

Theo BBC, trong năm ngoái Bệnh viện Trung ương 1 Thiên Tân đã thực hiện đến 600 ca ghép gan. Còn theo Hội cấy ghép TQ, đã có 5.000 ca ghép thận và 1.500 ca ghép gan được thực hiện từ năm 2003.

Chỉ cần lên mạng tìm kiếm là thấy ngay nhiều trung tâm ghép tạng TQ đua nhau đáp ứng yêu cầu: chỉ chờ từ 1 đến 4 tuần với chi phí ghép thận khoảng 62.000 USD, ghép tim 140.000 USD...

Do nhu cầu thúc đẩy, nhiều người có tiền từ các nước phương Tây, từ Nhật, Hàn Quốc... kéo sang TQ để được ghép tạng.

Như ở Anh, dù 1/5 dân, khoảng 13 triệu người, đã ký giấy hiến tặng sau khi chết nhưng mỗi năm chỉ có thể ghép được không tới 3.000 ca trong số hơn 8.000 ca có nhu cầu, do đó TQ là điểm đến “du lịch ghép tạng” lý tưởng.

Vấn đề phức tạp

Xác suất thành công các ca ghép tạng ở TQ thường thấp. Số liệu chính thức của Trung tâm Ghép tạng Thiên Tân cho thấy tỷ lệ sống một năm sau ghép gan chỉ 50% so với 81% ở Mỹ.

Hồi tháng 2, Nhật phải kiểm tra ít nhất 8 ca là bệnh nhân Nhật sang TQ ghép tạng về đã trở bệnh nặng hoặc tử vong vì nhiễm trùng hoặc triệu chứng khác.

Quy định của Bộ Y tế TQ, mới có hiệu lực từ đầu tháng 7, ngăn cấm buôn bán nội tạng, người hiến tạng phải có văn bản đồng ý và có quyền từ chối ngay trước ca ghép, chỉ cho phép các bệnh viện cao cấp có đủ phương tiện và nhân sự thực hiện...

Tuy nhiên, quy định này được cho là khó tuân thủ vì số nội tạng hiến tặng không thấm tháp gì với nhu cầu ngày càng cao, càng làm thị trường nội tạng chợ đen phát triển mạnh.

Theo Eli Friedman, chuyên gia thận, Đại học New York và Amy Friedman, chuyên gia ghép tạng, Đại học Yale, dù việc kinh doanh nội tạng là bất hợp pháp ở phần lớn các nước, bị giới y khoa chuyên nghiệp xem là vô đạo đức, nhưng nội tạng hiến tặng vẫn được mua bán ở thị trường chợ đen.

Giải pháp cho kinh doanh nội tạng phải tập trung vào thực tế là các cá nhân có quyền với các bộ phận thân thể của chính họ.

Theo Thiện Nguyễn
SGGP

MỚI - NÓNG