Nhật Bản:

Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hòng chiếm thế thượng phong

Trung Quốc vẫn ngang nhiên quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông. Nguồn: Inquirer.
Trung Quốc vẫn ngang nhiên quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông. Nguồn: Inquirer.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây tại Tokyo, một số chuyên gia, quan chức quốc phòng Nhật Bản nói rằng, bất chấp luật pháp, dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa hòng nâng cao năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, thực thi pháp luật trên biển Đông.

Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ở Trường Sa, trong đó có bến tàu đủ lớn để tiếp nhận tàu vào neo đậu, tái nạp nhiên liệu, bảo dưỡng… nhằm duy trì, thậm chí mở rộng sự hiện diện của hải quân, hải cảnh, hải giám, ngư chính Trung Quốc trên toàn bộ biển Đông, đồng thời nhằm cải thiện đáng kể năng lực tình báo, giám sát, trinh sát cùng các năng lực thực thi nhiệm vụ khác ở khu vực trung và nam biển Đông, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản (đề nghị giấu tên) nhận định hồi giữa tháng 2.

Theo nhiều nhà quan sát, việc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng sẽ ảnh hưởng lớn tới các quốc gia ven biển cũng như các tuyến đường biển quan trọng của thế giới đi qua biển Đông. Vị quan chức khẳng định, Nhật Bản cũng như nhiều nước khác phản đối các hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển, ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải.

“Việc xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, trong đó có đường băng dài tới 3km sẽ dẫn tới việc Không quân Trung Quốc tăng cường hiện diện ở biển Đông”, vị quan chức Nhật Bản nói. Các đường băng và hạ tầng hỗ trợ trên ba cấu trúc này sẽ cho phép Trung Quốc củng cố, phát triển các nền tảng triển khai nhanh từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay không người lái.

Ngoài việc tạo thế thượng phong của không quân Trung Quốc, quân sự hóa các đảo nhân tạo cũng sẽ nâng cao năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực của nước này đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng như đối với việc Mỹ can thiệp trong những tình huống nghiêm trọng đột xuất, vị quan chức Nhật Bản nói. Quân sự hóa cũng “có thể dẫn tới việc Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông trong tương lai”. Năm 2013, Trung Quốc đơn phương áp đặt ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và bị các nước liên quan, dư luận quốc tế bác bỏ, chỉ trích. Tuy nhiên, lần này các nước cần phải cảnh giác với mưu đồ thiết lập ADIZ của Trung Quốc vì năng lực thực thi của Trung Quốc đã khác xưa.

Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hòng chiếm thế thượng phong ảnh 1 Ông Kunihiko Miyake, Giám đốc nghiên cứu của Viện Canon về nghiên cứu toàn cầu, nói rằng sử dụng sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế sẽ không tồn tại được lâu, các nước đều phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Ảnh: Minh Trang.

Sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân ra tuần tra

Theo vị quan chức quốc phòng, Trung Quốc biến các đảo nhân tạo thành pháo đài, tiền đồn quân sự hòng trong tương lai có thể đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trang bị tên lửa đạn đạo ra biển Đông để tuần tra răn đe. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược (tàu lớp Jin) ở đảo Hải Nam.“Nhờ các cảng, đường băng mới xây dựng trên các cấu trúc đá ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong cả trên biển lẫn trên không, đủ khả năng để triển khai tuần tra bằng tàu ngầm lớp Jin được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2”, vị quan chức Nhật Bản nói. Tên lửa JL-2 phóng từ tầm ngầm có tầm bắn 8.000 km.

Ngày 6/2, báo The Inquirer của Philippines đăng các bức ảnh cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn thành các cơ sở hải quân và không quân trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang chiếm đóng. Những bức ảnh chụp từ tháng 6 đến tháng 12 năm ngoái cho thấy, các đường băng trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn đã xong và sẵn sàng đi vào hoạt động. Nhiều cột hải đăng, vòm radar, nhà chứa máy bay, tòa nhà cao tầng đã hiện diện ở đó. Còn các sân đỗ trực thăng, tua-bin điện gió, đài quan sát và tháp thông tin liên lạc được nhìn thấy trên 4 cấu trúc nhỏ hơn là Ga Ven, Châu Viên, Ken Nan và Gạc Ma.

Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các công trình của Trung Quốc ở đá Chữ Thập đã gần xong, trong đó có một đường băng dài 3km và ít nhất một hệ thống tên lửa. Ngoài ra còn có đường hầm, nhà chứa tên lửa, radar và ăng-ten tần số cao trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 6/2 tại Tokyo, ông Kunihiko Miyake, Giám đốc nghiên cứu của Viện Canon về nghiên cứu toàn cầu (CIGS), nêu quan điểm, Trung Quốc có thể tự ý hành động trên đất liền của họ, nhưng nếu có động thái trên biển thì họ phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài. “Nếu Trung Quốc gây trở ngại thông tin liên lạc, tự do đi lại trên biển Đông, chúng tôi sẽ không chấp nhận. Nhật Bản, Mỹ… sẽ gửi đi các thông điệp mạnh mẽ”, ông Miyake nói. 

Bắc Kinh đang xây “vạn lý trường thành dưới nước”?

Ngày 21/2, báo chí Ấn Độ dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng, quân đội Trung Quốc đang xây dựng “vạn lý trường thành dưới nước” gồm nhiều tàu thuyền và bộ cảm biến ở biển Đông để giành lợi thế chiến tranh trong khu vực. Mạng lưới này cũng giúp quân đội Trung Quốc do thám hoạt động của tàu ngầm, tàu nổi nước ngoài ở các khu vực tranh chấp. Mới đây, Trung Quốc hoàn tất việc lắp đặt hệ thống cáp ngầm chạy qua vùng biển tỉnh Quảng Đông và tỉnh đảo Hải Nam – nơi có căn cứ hải quân Du Lâm chứa nhiều tàu nổi và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuần tra bảo đảm tự do hàng hải

Ngày 21/2, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson rời thủ đô Manila của Philippines để tiếp tục tuần tra thường kỳ trên biển Đông, Philstar đưa tin. Cùng ngày, tạp chí Mỹ The Maritime Executive đưa tin, trong chuyến thăm tới Úc mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố, tàu khu trục Anh HMS Sutherland (vừa được triển khai tới Úc và Tây Thái Bình Dương) sẽ đi qua biển Đông trước khi trở về Anh.  Giới chuyên gia Anh nhận định, việc Anh gia tăng nỗ lực để đóng góp vào việc chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đáng được hoan nghênh, nhưng việc tuần tra cần được tiến hành một cách thực chất như hiện diện thường xuyên, liên tục, hợp tác với Pháp... Mỹ gần đây tiến hành tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông, đưa tàu vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch nước Lương Cường: Không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm

Chủ tịch nước Lương Cường: Không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm

TPO - Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu, lực lượng Công an bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; không để việc kiện toàn bộ máy ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội, phục vụ cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân; tuyệt đối "không để ngắt quãng, gián đoạn công việc, không để bỏ trống, điểm mù, vùng lõm địa bàn tội phạm".
Tài xế kể giây phút ‘rụng rời tay chân’ khi bị chĩa súng trên đèo Đá Trắng

Tài xế kể giây phút ‘rụng rời tay chân’ khi bị chĩa súng trên đèo Đá Trắng

TPO - “Tôi thật sự rụng rời tay chân khi nghĩ đến việc mình đối diện với cái chết. May mắn là súng gặp sự cố, nên người này đã hạ súng xuống để sửa súng và người phụ nữ đi cùng ngăn cản”, anh Lừ Văn T. (35 tuổi, xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La) tài xế bị đối tượng rút súng đe dọa trên đèo Đá Trắng kể.
Vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi

Vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi

TPO - Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thống nhất đưa 4 vụ án và 2 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương và một số đơn vị liên quan.
Từ đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại khách sạn Pullman, tiếp tục xác minh vụ chiếm đoạt hơn 5,5 triệu USD

Từ đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại khách sạn Pullman, tiếp tục xác minh vụ chiếm đoạt hơn 5,5 triệu USD

TPO - Quá trình điều tra đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại khách sạn Pullman, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã nhận được đơn tố cáo bị can Nguyễn Đình Lâm (bị truy tố tội tổ chức đánh bạc) và một cá nhân khác có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” số tiền hơn 5,5 triệu USD là tiền ông Đông đặt cọc để mua 49% cổ phần công ty.