Trung Quốc sẽ “an toàn” tại thượng đỉnh ASEAN

Các quan chức cao cấp ASEAN họp ngày 5/9 tại Vientiane để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Ảnh: Xinhua
Các quan chức cao cấp ASEAN họp ngày 5/9 tại Vientiane để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Ảnh: Xinhua
TP - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị liên quan khai mạc hôm nay tại thủ đô Vientiane của Lào. Chuỗi sự kiện kéo dài 3 ngày bao gồm hàng loạt cuộc gặp cấp cao chính thức và không chính thức liên quan nhiều bên và đối tác đối thoại, và một trong những sự kiện gây chú ý là Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc.

Bình thường, hội nghị như vậy sẽ là một cơ hội nữa để Bắc Kinh sử dụng chiêu thức ngoại giao quyến rũ, nhưng hai sự kiện trong vài tháng gần đây cho thấy chiêu thức đó đang gặp trục trặc. 

Trong bài viết đăng trên báo Singapore Today Online, TS Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói rằng, sự chia rẽ ASEAN - Trung Quốc bộc lộ đầy đủ tại Hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh vào tháng 6, nơi sự can thiệp của Trung Quốc làm hỏng tuyên bố chung của ASEAN dự kiến được công bố vào cuối cuộc họp. 

Bàn tay của Trung Quốc lại lộ rõ một lần nữa trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN vào tháng trước, khi các nước thành viên thân Trung Quốc gần như sắp làm chệch hướng tuyên bố chung. Theo TS Tang, dù mẫu số chung của hai sự vụ này là vấn đề biển Đông vẫn treo lơ lửng, nhưng sẽ khó có thể khiến Trung Quốc bẽ mặt trong hội nghị lần này vì 3 lý do.

Trước tiên, Trung Quốc đã có một số bước đi xoa dịu ngay trước cuộc họp của lãnh đạo ASEAN và các đối tác bằng việc đồng ý hoàn thành bộ khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Động thái chiến thuật này là nhằm xoa dịu nỗi bất an ngày càng cao trong một số nước thành viên ASEAN trước những bước đi quyết liệt của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. Trước đó, Trung Quốc luôn bị chỉ trích là tìm cách dây dưa kéo dài quá trình tham vấn COC.

Thứ hai, các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp nhận tín hiệu từ Philippines về vấn đề biển Đông. Khả năng đàm phán song phương giữa Manila với Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết đang làm giảm áp lực lên ASEAN phải có quan điểm cứng rắn hơn đối với các tranh chấp trên biển.

Thứ ba, cả ASEAN và Trung Quốc đồng ý rằng, phạm vi quan hệ song phương rộng hơn các tranh chấp trên biển Đông, và những vấn đề tranh chấp không nên lấn át mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa các nước láng giềng. Với quan hệ song phương đạt mức 345 tỷ USD trong năm 2015, hai bên sẽ mất nhiều nếu quan hệ này đi xuống.

Những yếu tố này cho thấy Hội nghị ASEAN - Trung Quốc lần này sẽ “an toàn”, nhưng đây sẽ là cơ hội bị bỏ lỡ đối với ASEAN nếu theo đúng kịch bản của Trung Quốc. Hội nghị kỷ niệm là cơ hội hiếm hoi để ASEAN thu hút sự chú ý của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và chuyển tải đến lãnh đạo Trung Quốc quan điểm thẳng thắn của mình về các vấn đề đáng lo ngại của khu vực.

Philippines sẽ chất vấn Trung Quốc

Hãng tin AP dẫn nội dung dự thảo tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN (dự kiến đưa ra trong dịp hội nghị lần này) cho thấy, họ có khả năng sẽ tránh đề cập chính thức phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế với nội dung bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Nhưng dự thảo vẫn bày tỏ quan ngại mạnh mẽ trước những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên biển Đông mà các quốc gia ASEAN lo ngại có thể gây mất ổn định khu vực.

Bản tuyên bố cuối cùng sẽ được đưa ra vào thứ Năm tuần này, nhưng hầu như các điểm chính, trong đó có những điểm về biển Đông, dự kiến sẽ không thay đổi mấy. Các quan chức cho biết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ hỏi Thủ tướng Trung Quốc tại cuộc họp giữa ASEAN và các lãnh đạo khu vực rằng, có phải Trung Quốc đang cố xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà hai nước đang tranh chấp hay không.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines vừa phát hiện các sà lan Trung Quốc ở khu vực Scarborough - dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sắp cải tạo bãi cạn mà nước này đang kiểm soát thành một đảo nhân tạo nữa. Một tàu Trung Quốc có vẻ mang theo cần trục, một quan chức giấu tên của Philippines cho biết. Chính phủ Philippines đã hỏi Đại sứ Trung Quốc tại Manila về những tàu này, nhưng đại diện Trung Quốc phủ nhận nước này sắp tiến hành hoạt động xây dựng.

Tổng thống Duterte có quan điểm hòa giải hơn người tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Nhưng quan hệ song phương sẽ bị cản trở nếu đúng Trung Quốc sẽ cải tạo, xây dựng Scarborough - ngư trường truyền thống mà ngư dân Philippines bị Trung Quốc xua đuổi. 

Sáng 6/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane.

Sẽ thông qua gần 50 văn kiện

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, cuộc họp của các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN được tổ chức ngày 5/9 tại Vientiane, để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 6 tới 8/9. Dự kiến có 11 hội nghị cấp cao, gồm Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29; 7 Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc, Liên Hợp Quốc; Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á. Ngoài ra, sẽ có Cấp cao Mekong-Nhật Bản và nhiều hoạt động quan trọng khác. Tại các hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và đối tác sẽ kiểm điểm, đề ra các định hướng hợp tác thời gian tới cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ ký, thông qua và ghi nhận gần 50 văn kiện về nhiều nội dung hợp tác quan trọng như kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, giáo dục, việc làm... Trong các văn kiện dự kiến được thông qua có Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao cao cấp ASEAN - Trung Quốc về ứng phó các sự cố khẩn cấp trên biển trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về áp dụng Bộ quy tắc ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) tại biển Đông.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.