Trung Quốc sẽ đối mặt khủng hoảng ngân hàng

Trung Quốc sẽ đối mặt khủng hoảng ngân hàng
TP - Hầu hết nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt khủng hoảng ngân hàng trong 5 năm tới, làm giảm sự hấp dẫn của cổ phiếu nước này, cũng như giảm niềm tin vào giới lãnh đạo, theo kết quả điều tra dư luận toàn cầu.

Có tới 61% người được hỏi dự đoán ngành tài chính - ngân hàng Trung Quốc sẽ đổ vỡ chậm nhất là vào cuối năm 2016; chỉ 10% tự tin rằng các ngân hàng nước này sẽ vượt qua khủng hoảng. Đó là kết quả thăm dò ý kiến 1.097 nhà đầu tư, nhà buôn, nhà phân tích khắp thế giới, do Cty dữ liệu tài chính hàng đầu thế giới, Bloomberg (Mỹ), thực hiện đầu tháng 12.

Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc (lĩnh vực sản xuất hoạt động kém nhất hơn hai năm qua, doanh số nhà ở giảm mạnh, xuất khẩu đi xuống…) khiến các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng lo ngại rằng, nợ xấu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng cao.

Theo họ, nguy cơ này là di sản của chương trình cho vay với giá trị kỷ lục 17.600 tỷ nhân dân tệ (2.800 tỷ USD) mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho phép thực hiện giai đoạn 2009-2010 trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

“Việc bố trí sai các nguồn lực, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới bất ổn kinh tế cũng như chính trị”, ông Lance Depew, Giám đốc Cty UPI Management LLC (Mỹ), người tham gia cuộc thăm dò ý kiến, nhận định.

“Các điểm yếu kinh tế vĩ mô sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, hoạt động của thị trường chứng khoán sẽ èo uột trở lại trong tương lai gần”, ông Depew dự đoán.

Năm nay, chỉ số chứng khoán MSCI Trung Quốc lĩnh vực tài chính giảm 22%. Giá cổ phiếu của Cty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc giảm 32%, của Ngân hàng Trung Quốc giảm 30%...

Theo kết quả thăm dò, 31% nhà đầu tư nói Trung Quốc sẽ trải qua bất ổn kinh tế hoặc chính trị nghiêm trọng làm giảm tăng trưởng; 40% nhà đầu tư Mỹ dự đoán Trung Quốc đối mặt khủng hoảng. Có tới 46% nhà đầu tư coi kinh tế Trung Quốc “đang xuống cấp”, so với tỷ lệ 38% khảo sát hồi tháng 9.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi Trung Quốc tiến nhanh tới hệ thống tài chính dựa trên thị trường, trong đó có việc nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro ngân hàng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngân hàng trung ương cùng các cơ quan quản lý liên quan.

Cảnh sát chống bạo động lập hàng rào tại khu vực đình công Ảnh: Reuters
Cảnh sát chống bạo động lập hàng rào tại khu vực đình công Ảnh: Reuters.

Hầu hết nhà đầu tư tham gia cuộc thăm dò dư luận của Bloomberg dự đoán Trung Quốc không thể vượt qua vị trí siêu cường số 1 của Mỹ cả về kinh tế và quân sự. Để tăng cường sự hiện diện của mình ở châu Á, Mỹ đang tìm kiếm hiệp định thương mại tự do với các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Malaysia, Việt Nam, Singapore, đồng thời thắt chặt quan hệ an ninh với Úc.

Tuy nhiên, có tới 56% người được hỏi cho rằng nỗ lực của Mỹ không hiệu quả, mà cuối cùng lại gây thù chuốc oán với Trung Quốc.

Trông chờ đội ngũ lãnh đạo mới

Tháng 12, các nhà đầu tư trở nên kém mặn mà với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào: 47% nói rằng họ lạc quan về sự lãnh đạo của ông, 38% tỏ ra bi quan. Tỷ lệ tương ứng hồi tháng 1 là 60% và 30%. Trung Quốc đang ở giai đoạn chuyển giao lãnh đạo cấp cao.

Theo nhiều nhà phân tích, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối năm sau, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình rất có khả năng được chọn thay thế ông Hồ Cẩm Đào, còn Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ trở thành Thủ tướng.

Giới đầu tư toàn cầu tin rằng, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ tiếp tục chuyển hướng phát triển sang khu vực kinh tế tư nhân mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã vạch ra hồi cuối những năm 70 của thế kỷ trước.

Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, 49% người được hỏi nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát triển các thị trường tự do, trong khi 37% dự đoán họ thắt chặt quản lý nhà nước đối với nền kinh tế. Các nhà đầu tư châu Á lạc quan nhất: 55% dự đoán Trung Quốc đẩy mạnh cải cách, mở cửa

Nguy cơ bất ổn xã hội

Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể dẫn tới bất ổn xã hội, theo Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Mấy tuần gần đây, nhiều cuộc đình công diễn ra với quy mô lớn, vì công nhân bức xúc với lương thấp, mất việc. Chính quyền các địa phương cần cải thiện hệ thống quản lý xã hội, trong đó có nâng cao nguồn nhân lực cấp cộng đồng, ông Khang phát biểu hôm 2-12.

Tuần trước, hơn 1.000 công nhân ở một nhà máy ở thành phố Thượng Hải đình công hai ngày để phản đối sa thải; một số người xung đột với cảnh sát. Hồi tháng 10, hơn 7.000 công nhân đình công ở tỉnh Quảng Đông. Chi tiết và ảnh chụp công nhân đình công xuất hiện đầu tiên trên các mạng xã hội của Trung Quốc giống như Twitter của phương Tây.

Thái An
Theo Bloomberg, Forbes, Xinhua, Financial Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG