Trung Quốc sẽ giảm tốc độ quân sự hóa biển Đông?

Tàu Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)
Tàu Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)
TP - ASEAN và Trung Quốc đang hy vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng về thương lượng khuôn khổ Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông trước cuối tháng 6 và với đà ngoại giao này, Trung Quốc sẽ giảm tốc độ quân sự hóa ở biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây tuyên bố ASEAN và Trung Quốc đã đạt được dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Trung Quốc đã thay đổi chính sách của họ hồi năm ngoái, sau cuộc gặp ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh. Khi đó Trung Quốc tuyên bố sẽ ủng hộ thúc đẩy để đạt được khuôn khổ COC trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân một phần là do áp lực ngoại giao của một số nước ASEAN.

Tất nhiên, việc ông Rodrigo Duterte được bầu làm tổng thống Philippines và chính sách thân thiện với Trung Quốc của ông Duterte cũng đóng một vai trò đáng kể. Dưới thời Tổng thống Philippines Aquino, không có thảo luận song phương giữa Manila và Bắc Kinh. Ông Duterte đã tới Trung Quốc và sẽ trở lại trong năm nay. Tổng thống Duterte có những phát ngôn chống Mỹ chắc chắn vừa tai Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nước thành viên ASEAN có thể gây sức ép để ông Duterte làm dịu quan điểm chống Mỹ. Nhà Trắng đã thông báo là Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tới tại Manila vào cuối năm nay. Ông Duterte giờ ở vị trí “không nên không phải” gây thù hận với ông Trump bằng các lời nhận xét ngẫu hứng nữa.

Trung Quốc cũng đang lợi dụng sự bận bịu của chính quyền Donald Trump đối với Triều Tiên và sự thờ ơ đối với Đông Nam Á. Trung Quốc luôn coi Mỹ là một siêu cường bên ngoài không có vai trò giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Những nhân tố này đóng vai trò trong chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc.

Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về thương lượng khuôn khổ COC. Cả hai bên đang hy vọng đạt được thỏa thuận này trước cuối tháng 6. COC chính thức cuối cùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được, có thể vào năm 2018. Với điều kiện đà ngoại giao này tiếp tục, Trung Quốc sẽ giảm tốc độ quân sự hóa và củng cố quyền kiểm soát các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Tác động của đàm phán song phương Philippines-Trung Quốc

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines gần đây nói rằng, Philippines sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng gì tới thương lượng ASEAN-Trung Quốc về khuôn khổ COC? Về cơ bản, tất cả các thành viên ASEAN nhất trí rằng, tranh chấp biển chỉ có thể được giải quyết bởi các quốc gia trực tiếp liên quan.

Trước tiên, Tổng thống Duterte muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và thu hút tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng. Ông ấy đã thành công trong việc này. Giờ đây, ông Duterte muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về khuôn khổ COC vì đàm phán song phương giữa Philippines và Trung Quốc sẽ giúp loại bỏ một trở ngại lớn trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Ông Duterte không ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Nhưng điều này không có nghĩa Durterte sẽ từ bỏ quyền của mình được nêu trong luật pháp quốc tế. Khi đàm phán song phương với Trung Quốc bắt đầu, ông Duterte có thể sẽ tận dụng phán quyết của Tòa trọng tài.

Các thành viên ASEAN sẽ chấp nhận những gì Philippines và Trung Quốc đạt được trong quá trình đàm phán song phương. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trực tiếp liên quan hai nước Philippines và Trung Quốc, và theo luật pháp quốc tế, họ có nghĩa vụ thực hiện.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, nếu hai bên không thể đồng thuận, họ phải bước vào một sự dàn xếp mang bản chất thực tế. Ví dụ, nó có thể diễn ra dưới hình thức Philippines và Trung Quốc hợp tác về quản lý ngư nghiệp. Những cuộc đàm phán như vậy nhiều khả năng sẽ kéo dài.

MỚI - NÓNG