Các học giả quốc tế:

Trung Quốc sẽ phải tôn trọng phán quyết

GS Erik Franckx trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo. Ảnh: N.Đ.Q
GS Erik Franckx trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo. Ảnh: N.Đ.Q
TP - Ngày 17/8 tại Việt Nam, nhiều học giả quốc tế nói rằng, Trung Quốc sẽ phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài, nếu không, nước này sẽ khó giữ được địa vị của mình trên trường quốc tế.

Hôm qua, tại Hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn biển Đông”, do Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Nha Trang đồng tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, gần 30 tham luận được trình bày, tập trung vào các vấn đề: Quy chế của đảo, đá trong luật quốc tế; Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc; Ý nghĩa và tác động của phán quyết đối với tranh chấp ở khu vực biển Đông.

“Trung Quốc luôn nói rằng, họ không tôn trọng và không chấp nhận phán quyết ngày 12/7 của PCA, nhưng tôi cho là Trung Quốc sẽ phải tôn trọng phán quyết đó”, GS Erik Franckx, thành viên PCA, Trưởng Khoa Luật quốc tế và châu Âu, Đại học Vrije Universiteit (Bỉ), nói với các nhà báo trong giờ giải lao của Hội thảo. Phán quyết của PCA là quyết định cuối cùng, Trung Quốc không thể kháng án. Trung Quốc từng tìm cách biện bạch cho việc không chấp nhận sự ràng buộc của phán quyết bằng việc viện dẫn vụ Mỹ bị Nicaragua kiện ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Ngày 9/4/1984, Nicaragua yêu cầu ICJ phán xét: Mỹ đã đào tạo, vũ trang, cung cấp tài chính cho lực lượng Contras chống lại chính phủ Nicaragua, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Nicaragua… Mỹ tuyên bố không tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của ICJ, nhưng vụ kiện vẫn tiếp diễn. Ngày 27/6/1986, ICJ tuyên Nicaragua thắng kiện. Mỹ không chấp nhận phán quyết của ICJ, nhưng sau đó cũng không tiếp tục các hành động bị Nicaragua kiện nữa. “Ngay cả các quốc gia thành viên thường trực Hội đồng  Bảo an Liên Hợp Quốc cũng không thể đi ngược lại phán quyết của Tòa quốc tế, nếu làm điều đó Trung Quốc sẽ khó giữ được địa vị của mình trên trường quốc tế”, GS Franckx nói. 

Bà Amy Searight, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thông tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các vùng biển tranh chấp. Phía Mỹ hiểu rằng, Trung Quốc đã đưa ra một cam kết, việc Trung Quốc không tôn trọng cam kết này là điều không có lợi cho họ. 

GS Jeong Gap Yong, Đại học Youngsan (Hàn Quốc), nói rằng, “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra không phù hợp luật pháp quốc tế, nên nước này cần tự nguyện từ bỏ yêu sách này ngay lập tức. Trong khi đó, ông Brig Vinod Anand, Tổ chức quốc tế Vivekananda, Ấn Độ, nói rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai các dự án dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, cũng như tiếp tục tìm kiếm các khu vực tiềm năng mới có khí hydrocarbon.  

Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 500 triệu USD/năm

“Với việc xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã phá hủy khoảng 1.500 ha rạn san hô, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản khoảng 500 triệu USD mỗi năm”, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT, ước tính. Nguồn lợi ở rạn san hô vào khoảng 350.000 USD/ha/năm. 

“Đó là tội rất lớn, đánh vào nguồn lợi, vào nguồn sống của 300 triệu người quanh biển Đông”, ông Hồi nhận định. Theo ông, cần thành lập hội đồng khoa học biển khu vực biển Đông để xử lý các vấn đề suy thoái môi trường, nên thành lập công viên biển hòa bình ở biển Đông, Trung Quốc phải phối hợp với các bên liên quan cùng giám sát môi trường ở 7 bãi cạn đã bị họ biến thành đảo nhân tạo.

Vấn đề môi trường biển là vấn đề xuyên biên giới, có tác động sâu rộng. Nếu nhận thức được mà vẫn cứ thực hiện các hành động hủy hoại môi trường biển thì tức là thiếu trách nhiệm với môi trường. Nếu tiếp diễn các hành động như vừa qua, Trung Quốc sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng, tác động lâu dài. Vì vậy, một số đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, các nước trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hành động của Trung Quốc có thể phối hợp với các tổ chức liên quan, như Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, xem xét kiện Trung Quốc về môi trường.

Đánh giá cao phán quyết

Trung Quốc sẽ phải tôn trọng phán quyết ảnh 1

Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa rồi ngang nhiên tiến hành bay thử nghiệm. Ảnh: Xinhua

Chiều 17/8, các học giả dự Hội thảo nhất trí: 1. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông; 2. Khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, hàng không phù hợp luật pháp quốc tế ở biển Đông; 3. Tái khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và việc áp dụng nguyên tắc này đối với các tranh chấp ở biển Đông; 4. Hoan nghênh phán quyết chung thẩm và mang tính ràng buộc được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đưa ra ngày 12/7 đã giúp thu hẹp phạm vi các khu vực có tranh chấp, mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở biển Đông; 5. Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực và việc thúc đẩy các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp ở biển Đông phù hợp Điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, sớm tiến tới xác lập Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, qua đó mở ra cơ hội mới cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông; 6. Bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế về chủ đề biển Đông để thông tin đến dư luận, đưa ra các khuyến nghị chính sách tới các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và một trật tự pháp lý ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

MỚI - NÓNG