Trung Quốc thanh trừng “quan chức trần trụi”

Tranh minh họa: IB Times
Tranh minh họa: IB Times
TP - Thêm 10 tỉnh trở thành mục tiêu của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 17/7 dẫn nguồn Xinhua cho biết.

Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực đưa những “quan chức trần trụi” (những quan chức đã đưa vợ con ra nước ngoài cư trú) khỏi những chức vụ quan trọng.

Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, vừa chỉ đạo các thanh tra viên cần phải sẵn sàng cho một đợt thanh tra mới, được xem như cao điểm của chiến dịch phòng chống tham nhũng. 


Các thanh tra viên được yêu cầu điều tra kỹ lưỡng dấu hiệu tham nhũng trong lĩnh vực khai khoáng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển nhượng đất đai, phát triển bất động sản; các dự án xây dựng, công quỹ và các quỹ đặc biệt. Họ cũng được yêu cầu phát hiện những hành vi bất chính như mua bán chức vụ và tập trung vào các “quan chức trần trụi”. 

Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm bắt đầu giai đoạn thanh tra thứ hai tập trung vào 10 tỉnh thành: Quảng Tây, Thượng Hải, Thanh Hải, Tây Tạng, Chiết Giang, Hà Bắc, Sơn Tây, Hắc Long Giang, Tứ Xuyên và Giang Tô. Đợt thanh tra này còn nhắm tới một số cơ quan lớn khác như Tổng cục Thể thao, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Tập đoàn Chế tạo ô tô…

Trang tin Want China Times (Đài Loan) hôm 17/7 nhận định, những nỗ lực chống tham nhũng mới theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tập trung vào hàng ngũ lãnh đạo của các thiết chế quan trọng của nước này như các ủy ban đảng, Quốc hội, Quốc vụ viện, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân, tòa án, viện kiểm sát.

Những “quan chức trần trụi” lãnh đạo các đơn vị này sẽ được khuyên phải đưa vợ con trở về Trung Quốc hoặc sẽ bị thuyên chuyển xuống các chức vụ thấp hơn.

Một tỉnh phát hiện cả ngàn “lõa quan”

Tờ Đô thị Phương Nam ở thành phố Quảng Châu nêu rõ động thái triệt hạ các “quan chức trần trụi” đã được đưa vào chương trình nghị sự của chính quyền trung ương. Chiến dịch này đã được phát động tại hơn 10 tỉnh thành. Hiện tượng “quan chức trần trụi” đặc biệt phổ biến ở các tỉnh duyên hải giàu có của Trung Quốc. 

Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông đã phát hiện hơn 1.000 “quan chức trần trụi”, bao gồm 9 quan chức cao cấp, 134 quan chức trung cấp và 723 quan chức cấp thấp. Nhiều tỉnh đã cam kết tham gia chiến dịch, như An Huy, Quý Châu, Hồ Nam, Chiết Giang, Tứ Xuyên. 

Theo quy định hiện hành, các quan chức chính phủ phải khai báo tình trạng của vợ con, kể cả việc có giữ quốc tịch nước ngoài, cư trú thường xuyên hay có giấy phép cư trú dài hạn.

Hôm 16/7, Trung Quốc thông báo khai trừ đảng hai cựu quan chức địa phương vì tội tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thông báo, Bí thư thành ủy Tây Ninh (thủ phủ tỉnh Thanh Hải) Mao Tiểu Binh và Bí thư thành ủy Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) Trương Điền Hân đã “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. 

Ủy ban này cho biết, Mao đã lạm dụng chức vụ của mình để trục lợi, đòi hỏi và nhận những khoản hối lộ khổng lồ, ngoài ra còn phạm tội ngoại tình. Mao bị điều tra từ tháng 4 và sẽ bị khởi tố, cách chức. Trương Điền Hân bị cáo buộc lợi dụng chức quyền, tham ô, gây thiệt hại cho công quỹ. 

Báo chí Trung Quốc mới đây đưa tin Bí thư thành ủy Quảng Châu, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông Vạn Khánh Lương đã bị cách chức, sau một thời gian bị điều tra về tội tham nhũng. Vạn là một trong 171 Ủy viên Trung ương đảng dự khuyết.

Theo Xinhua, chỉ 3 ngày sau khi lệnh điều tra được công bố, Vạn đã bị cách chức Bí thư thành ủy Quảng Châu. 

25% quan tham dính dáng Chu Vĩnh Khang

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, gần 1/4 số quan tham Trung Quốc bị bắt về tội tham nhũng có liên quan trực tiếp đến Chu Vĩnh Khang - cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp, Bộ trưởng Bộ công an Trung Quốc. Đây là thông tin trên tờ Đa Chiều được Want China Times ngày 17/7 dẫn lại. 

Theo trang tin của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã có 35 quan chức cấp tỉnh hoặc cấp bộ bị điều tra tham nhũng kể từ tháng 11/2012. Trong số quan tham ngã ngựa, 8 người trực tiếp có quan hệ với Chu Vĩnh Khang, bao gồm cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, cựu lãnh đạo cơ quan quản lý tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, cựu Phó chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Vương Vĩnh Xuân (vừa bị khai trừ khỏi đảng). Nhiều quan chức bị điều tra khác có liên quan đến “sân sau” của Chu ở tỉnh Tứ Xuyên.

Theo Đa Chiều, 40 lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang bị điều tra tội tham nhũng. Một tỷ lệ lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia, nơi Chu Vĩnh Khang từng là chủ tịch.

MỚI - NÓNG