Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
TP - Trước việc cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều phái máy bay thách thức vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông mà không báo trước, Trung Quốc buộc phải điều máy bay ra vớt vát thể diện, các nhà phân tích nhận định.

> Trung Quốc điều tiêm kích tuần tra vùng phòng không
> Quân đội Nga trang bị 5 tổ hợp tên lửa S-500

Tàu sân bay Mỹ luôn hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Getty Images
Tàu sân bay Mỹ luôn hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Getty Images.

Xinhua dẫn lời Phát ngôn viên Không quân Trung Quốc Thẩm Tiến Khoa nói rằng, chỉ ít giờ sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc cho phi cơ chiến đấu vào ADIZ, Trung Quốc điều động một máy bay cảnh báo sớm KJ-2000, nhiều máy bay tiêm kích, gồm cả Su-30 và J-11, tới tuần tra tại khu vực.

Su-30 hiện là máy bay chiến đấu đa năng hiện đại nhất của Trung Quốc, còn KJ-2000 do Trung Quốc tự phát triển và được nước này khoe có tính năng tương đương máy bay cảnh báo sớm AWACS của Mỹ.

Ông Thẩm nói nhóm máy bay Trung Quốc bay tuần tra bình thường nhằm “tăng cường giám sát các mục tiêu trên không”. Bắc Kinh nói các chiến đấu cơ của họ sẽ giám sát, hộ tống, chứ không xua đuổi máy bay của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vào ADIZ.

Trong một cuộc họp báo, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân giải thích, ADIZ không phải là vùng cấm bay hay mở rộng không phận của Trung Quốc; ADIZ không có nghĩa nước này lập tức áp dụng hành động quân sự chống máy bay nước ngoài và việc hiểu Trung Quốc có thể bắn hạ máy bay trong khu vực này là sai lầm.

Báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 29/11 đưa tin, Nhật Bản sẽ triển khai thường trực các máy bay cảnh báo sớm E-2C tại Okinawa, trong khi các máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ sẽ sớm có mặt tại Hoa Đông theo cam kết giữa hai nước hồi tháng 10.

Một bài xã luận trên báo Trung Quốc Global Times ngày 29/11 viết rằng, chính Nhật Bản, chứ không phải Mỹ, mới là mục tiêu của ADIZ. Tờ báo này cũng gợi ý việc tăng cường khu vực phòng không nên tiến hành chọn lọc.

“Nếu Mỹ không đi quá giới hạn, chúng ta sẽ không coi đó là mục tiêu của khu phòng không. Điều chúng ta cần làm hiện nay là thống kê đầy đủ những hành động khiêu khích của Nhật Bản… Nếu xu hướng này tiếp tục, chắc chắn sẽ xảy ra va chạm, đối đầu (giữa Trung Quốc và Nhật Bản), thậm chí căng thẳng trên không sẽ tương tự thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Chúng ta cần sẵn sàng đương đầu Nhật Bản”, tờ báo dân tộc chủ nghĩa viết.

Mập mờ nguy hiểm

Báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 29/11 đánh giá, động thái mới của Trung Quốc phản ứng sự thách thức của quốc tế đối với việc đơn phương thiết lập ADIZ, càng gia tăng nguy cơ hiểu lầm và leo thang căng thẳng ở khu vực tranh chấp.

Nhiều nhà ngoại giao châu Á và chuyên gia phân tích quốc phòng - quan hệ quốc tế phương Tây cho rằng, hành động này trong bầu không khí chính trị căng thẳng dễ làm nảy sinh một vụ va chạm trên không, có thể dẫn tới xung đột quân sự.

Chính phủ Trung Quốc vẫn phát đi tín hiệu mâu thuẫn trong việc làm thế nào để củng cố ADIZ của họ, trong khi nó chồng lấn với các ADIZ của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo các chuyên gia, có thể sự mập mờ của Trung Quốc được tính toán cẩn thận nhằm khiến Mỹ và các đồng minh phải lo lắng khi tiếp tục các chuyến bay quân sự trong ADIZ mới. Tuy nhiên, việc này cũng có thể xuất phát từ khâu lập kế hoạch tồi hoặc không tham khảo các chuyên gia hay quốc gia khác.

Trước tình huống mới, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng yêu cầu Trung Quốc hành động thận trọng và kiềm chế. Mỹ sẽ tham khảo Nhật Bản và những đối tác khác trong vùng bị ảnh hưởng, báo Mỹ New York Times đưa tin hôm 29/11.

Một số nhà phân tích ngạc nhiên về việc Trung Quốc quyết định cùng lúc chọc giận cả Hàn Quốc, quốc gia cũng đang bất hòa với Nhật Bản nhưng tỏ ra hợp tác với Trung Quốc, mặc dù có tranh chấp đảo với Bắc Kinh.

Tại cuộc họp ngày 28/11, Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc thay đổi ranh giới khu vực phòng không nhưng đã bị từ chối. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho hay, Seoul cũng đang xem xét mở rộng ADIZ của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về vấn đề này. Tokyo cho biết vẫn tiếp tục bay tuần phòng trong khu vực mà không thông báo cho Bắc Kinh và cũng không vấp phải bất cứ phản ứng nào. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố: “Chúng tôi không có ý định ngừng các hoạt động của mình vì Trung Quốc”.

Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc thông báo lập ADIZ mới để làm xói mòn chủ quyền của Nhật Bản với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời nhằm thiết lập quyền lực thống trị, hất Mỹ khỏi khu vực.

Thục Ninh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG