Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt 'tiền nóng'

Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt 'tiền nóng'
TP - Sau sự kiện hàng loạt nước gồm Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Brazil bắt đầu để mắt đến dòng chảy vốn ngắn hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các nỗ lực kiểm soát sự luân chuyển của cái gọi là “tiền nóng”, vốn được cho là nguyên nhân tạo ra nguy cơ lạm phát.
Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt 'tiền nóng' ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư đang đổ tiền vào thị trường nhà đất Trung Quốc - Ảnh: Propitius.com

Theo Nhật báo Trung Quốc, hôm thứ Tư vừa rồi, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang nói, chính phủ sẽ tăng cường giám sát dòng chảy các nguồn vốn mang tính đầu cơ ngắn hạn.

Cùng ngày, Ủy ban nhà nước về ngoại hối Trung Quốc siết chặt quy định về việc các cá nhân lưu chuyển qua tài khoản đồng Nhân dân tệ và các loại ngoại tệ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái này nhằm mục tiêu kiểm soát việc chuyển tiền qua biên giới, một kênh quan trọng  để “tiền nóng” chảy vào Trung Quốc.

Theo quy định mới, cá nhân và pháp nhân ở nước ngoài sẽ không còn được gửi ngoại tệ cho 5 hoặc nhiều hơn các cá nhân người Trung Quốc để đổi sang đồng Nhân dân tệ trong cùng một ngày hoặc trong các ngày liên tiếp.

Tuy nhiên, Liu Yuhui, giám đốc Trung tâm đánh giá kinh tế (Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc) cảnh báo rằng, quy định mới sẽ chẳng có mấy tác dụng vì vẫn có các kênh để dòng vốn ngắn hạn từ nước ngoài có thể đổ vào Trung Quốc, bao gồm việc thông qua các tài khoản vãng lai.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về lượng tiền nóng đổ vào Trung Quốc, nhiều chuyên gia như ông Liu cho rằng, con số là rất đáng kể.

“Kể từ quý hai năm nay, đã có những manh mối nhất định về việc hằng tháng, một khoản 30 tỷ USD được đổ vào quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia của Trung Quốc, vốn đã rất lớn”, ông Liu nói.

Wang Yuanhong, nhà kinh tế cao cấp thuộc Trung tâm Thông tin quốc gia nói Trung Quốc đang hấp dẫn giới đầu cơ vì giá cổ phiếu và bất động sản đang ở mức tương đối thấp. Tiền nóng chảy vào Trung Quốc đã gây ra tình trạng sốt ảo cổ phiếu và bất động sản, tạo nên áp lực lạm phát.

Li Wenjie, tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn cho rằng đang lan truyền trong công chúng xu hướng đầu cơ vào thị trường bất động sản kể từ giữa năm 2009. Ông này cũng cho hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ráo riết mua vào bất động sản (căn hộ) với kỳ vọng vào một đợt tăng giá mạnh.

Theo các nhà kinh tế, nếu điều này xảy ra, chính phủ Trung Quốc có vẻ đã rơi vào một cái bẫy. Một khi hiện tượng lạm phát xuất hiện vào năm 2010, hiển nhiên là chính phủ phải định giá lại đồng tiền theo hướng tăng giá trị hoặc nâng lãi suất, cả hai biện pháp đều kích thích tiền nóng đổ vào và lại khiến lạm phát gia tăng.

Tình trạng này sẽ trầm trọng hơn khi dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể duy trì mức lãi suất ổn định cho đến năm 2011.

MỚI - NÓNG