Trung Quốc tìm cách kiểm soát hai eo biển chiến lược

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông Ảnh: AP
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông Ảnh: AP
TP - Hai eo biển Ba Sĩ và Miyako tạo thành những vị trí án ngữ quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển dọc theo và vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất.

Theo bài viết vừa đăng trên tạp chí The Diplomat, trong 4 năm qua, Trung Quốc gia tăng hoạt động diễn tập quân sự quanh hai tuyến đường thủy có tầm quan trọng chiến lược, gồm eo biển Ba Sĩ và Miyako - lối ra vào vùng biển của Trung Quốc. Hai eo biển này góp phần tạo nên rìa của chuỗi đảo chính bao quanh biển Hoa Đông, bắt đầu từ quần đảo Kuril ở đông bắc Nhật Bản xuống tận Philippines và đảo Borneo ở phía tây nam Thái Bình Dương.

Kết nối biển Đông với tây Thái Bình Dương, eo biển Ba Sĩ chạy giữa đảo Luzon ở phía bắc Philippines với đảo Orchid thuộc Đài Loan (Trung Quốc). Eo biển Miyako nằm giữa hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản và tạo thành lối đi nhỏ qua vùng vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ra vùng biển và không phận quốc tế. Cả hai tuyến đường này tạo nên lối đi quan trọng cho quân đội Trung Quốc ra Thái Bình Dương.

Vài tháng qua chứng kiến hàng loạt hoạt động của Trung Quốc trên hai eo biển này. Đáng chú ý là Không quân Trung Quốc và Không quân Nga triển khai chiến dịch tuần tra chung trên không tầm xa trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản vào ngày 23/7 năm nay. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chiến dịch tuần tra chung trên không của Nga và Trung Quốc có sự tham gia của các máy bay ném bom Tu-95MS bay qua eo biển Miyako. Trước đó, năm 2016, tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu hộ tống của Trung Quốc lần đầu đi vào vùng tây Thái Bình Dương qua eo biển Miyahko trước khi đi vào biển Đông qua eo biển Ba Sĩ.

Về mặt chính trị, sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở cả hai vị trí này là cách để gửi tín hiệu răn đe đến Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ, cũng như khẳng định sự quyết tâm bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Chuỗi đảo thứ nhất

Vậy vì sao hai eo biển đó quan trọng với Trung Quốc như vậy?

Hai eo biển Miyako và Ba Sĩ nằm ở khu vực mà các nhà chiến lược quân sự gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, bắt đầu từ quần đảo Nhật Bản xuống đến Đài Loan và Philippines. Bắt đầu từ năm 1980, các nhà chiến lược của quân đội Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuỗi đảo thứ nhất đối với nước này trước nguy cơ bị Mỹ và đồng minh bao vây chiến lược.

Vượt qua chuỗi đảo thứ nhất là điều quan trọng đối với các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc để mở rộng phạm vi hoạt động trên biển cả, tập trung vào việc triển khai các nhóm tàu sân bay tấn công ra khỏi phạm vi những vùng biển gần như Hoa Đông.

Hai eo biển nói trên được Trung Quốc coi là lối thoát quan trọng ra Thái Bình Dương và do đó có tầm quan trọng then chốt trong bảo vệ các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài.

Diplomat dẫn lời ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại hãng phân tích RAND Corp cho rằng, các hoạt động trên không của Trung Quốc ở khu vực eo biển Ba Sĩ và Miyako “tạo cho Bắc Kinh cơ hội huấn luyện trong điều kiện chiến đấu thực sự’”. Ông nhấn mạnh rằng chiến đấu với Mỹ ở khu vực Đài Loan, với Nhật và Mỹ ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, hoặc với Mỹ trên biển Đông, sẽ đòi hỏi quân đội Trung Quốc thể hiện sức mạnh vượt ra khỏi phạm vi chuỗi đảo thứ nhất để có thể chặn lực lượng tiếp viện của Mỹ.

Học thuyết quân sự của Trung Quốc được cho là nêu ra nhiệm vụ phong tỏa biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông trước các tài sản trên biển và trên không của Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra, trong đó bao gồm nhiệm vụ chặn hai eo biển nói trên để Mỹ và các đồng minh không thể qua lại.

Trong khi đó, hai eo biển có thể được Mỹ và đồng minh sử dụng để “nhốt” lực lượng Trung Quốc trong vùng biển gần. Khi sự hiện diện của các căn cứ không quân Mỹ ở khu vực trở thành thách thức quân sự lớn đối với các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc, khu vực này càng trở nên phức tạp vì nỗ lực của Nhật Bản trong việc tăng cường hiện diện quân sự dọc các đảo rải rác trên biển Hoa Đông. Ví dụ, Nhật Bản đang triển khai các đơn vị tên lửa chống hạm mới trên các đảo thuộc tỉnh Okinawa với khả năng bao trùm toàn bộ eo biển Miyako.

Về mặt chính trị, sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở cả hai vị trí này là cách để gửi tín hiệu răn đe đến Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ, cũng như khẳng định sự quyết tâm bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

MỚI - NÓNG