Trung Quốc trút tiền “tấn công quyến rũ”

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Anh
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Anh
TP - Năm 2014, báo chí Pháp viết vui rằng, chuyến thăm Paris của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “trút tiền xuống nước Pháp” với hàng loạt hợp đồng kinh tế khổng lồ. Điều đó càng đúng với chuyến thăm London của ông Tập năm nay.

Anh và Trung Quốc hồ hởi thông báo, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư lên tới 30 tỷ bảng Anh. Hai nước còn ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá hàng tỷ đô la Mỹ. 

Dễ hiểu khi chuyến thăm lần đầu tiên đến Anh của ông Tập trong cương vị Chủ tịch Trung Quốc được ca ngợi là sự khởi đầu cho kỷ nguyên vàng trong mối quan hệ Trung-Anh. 

Không uổng công báo chí đại lục thi nhau “đánh bóng” trước chuyến thăm: Anh quốc dành cho ông Tập sự tiếp đón trọng thị. Điều này phần nào an ủi chuyến thăm Mỹ không mấy thành công trước đó của Chủ tịch Trung Quốc. 

Ngoài quốc yến, Thủ tướng Anh David Cameroon mời ông Tập ăn tối riêng, hai người còn kéo nhau tới một quán rượu đúng chất Anh để nhâm nhi. Phu nhân Thủ tướng Anh tặng phu nhân ông Tập một chiếc túi xách sành điệu giá 550 bảng…

Trung Quốc cũng được dịp thể hiện uy thế “nước lớn” từng đề xuất với Mỹ nhiều lần nhưng không được để ý. Bắc Kinh đã mở nhiều cuộc “tấn công quyến rũ” ở nhiều khu vực khác nhau để thúc đẩy “Giấc mơ Trung Hoa” mà ông Tập Cận Bình đang ra sức cổ súy. 

Những dự án đầy tham vọng “Vành đai kinh tế”, “Con đường tơ lụa”… mà Trung Quốc vạch ra đều phục vụ mục tiêu lớn đó. Buộc một đồng minh thân thiết của Mỹ phải lấy lòng, cho thế giới biết ai mới là kẻ có tiền và là một cực quyền lực đang lên có thể nói chuyện phải quấy với Mỹ chẳng thú vị lắm sao?

Giờ đây, Anh quốc trải thảm đỏ đón lãnh đạo Trung Quốc, mời mọc đầu tư; tỷ phú Trung Quốc Mã Vân còn được mời làm cố vấn cho ông Cameroon… Anh cũng hiếm khi chỉ trích Trung Quốc về tham vọng thôn tính biển Đông và đã tham gia sáng kiến Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng. 

Đã có ý kiến chỉ trích phải chăng nước Anh đã “thần phục” Trung Quốc, đúng hơn là tiền của Trung Quốc? Quả là nước Anh khó mà không xiêu lòng trước 150 thỏa thuận được ký kết trong các lĩnh vực y tế, sản xuất máy bay, năng lượng... Người Trung Quốc đang đổ xô tới London mua sắm và tậu bất động sản, cho con cái sang Anh học hành. 

Tuy nhiên, người Anh vốn nổi tiếng về tính thực dụng và tỉnh táo đến lạnh lùng. Không phải ông Cameroon không chịu sức ép từ các chính trị gia và các nhóm nhân quyền không ưa Trung Quốc, song là người đứng đầu chính phủ, ông thừa biết mình đang làm gì và đâu là giới hạn.

Người Anh thừa hiểu Mỹ mới là người cầm trịch cuộc chơi, nhưng chẳng dại gì chê tiền của Trung Quốc, miễn sao chưa tới mức bị “thổi còi” là được.

Cách đây 2 năm, ông Cameroon tiếp Đại La Lạt Ma khiến Trung Quốc rất tức giận. Ngay trong chuyến thăm lần này của ông Tập, không hiểu vô tình hay hữu ý, Thủ tướng Anh dự lễ ra quân hằng năm của lực lượng viễn chinh hoàng gia Anh và gắn huy hiệu biểu tượng cây thuốc phiện của lực lượng này lên lễ phục. 

Sau đó có vẻ ông Cameroon đã đeo biểu tượng gợi nhớ tới phần lịch sử nhạy cảm giữa hai nước trong buổi hội đàm và ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc.

Ngoài “cú đá xéo” này, Thái tử Charles quyết định không tham gia quốc yến đãi thượng khách tại Điện Buckingham. Còn Nữ hoàng Anh trong tiệc mừng ông Tập đã “nhắc” ông Tập rằng, nguyên tắc “một nước hai chế độ” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bị xói mòn ở Hong Kong.

MỚI - NÓNG