Trung Quốc và những tham vọng tại Trung Đông

Đại diện của Nga (trái) và Trung Quốc tại LHQ phản đối nghị quyết trừng phạt Chính phủ Syria
Đại diện của Nga (trái) và Trung Quốc tại LHQ phản đối nghị quyết trừng phạt Chính phủ Syria
Trung Quốc đã không dưới một lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) về cuộc khủng hoảng tại Syria, cũng nhiều lần công khai sự ủng hộ đối với Iran, nước vốn là cái gai trong con mắt của Mỹ và các đồng minh phương Tây.

> Nín thở Syria

Việc "tự nhảy" vào cuộc khủng hoảng kép ở Trung Đông và Bắc Phi cho thấy, tham vọng của Bắc Kinh tìm kiếm một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế trên nền tảng cơ bản là bảo vệ các lợi ích quốc gia.

Quyết can dự….

Thế giới đang nóng lên từng ngày với đà tăng nhiệt của các cuộc khủng hoảng tại Syria và Iran. Các cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ tại HĐBA LHQ về tìm kiếm một thái độ thỏa đáng đối với chính quyền Damacus, “tiếng bấc” đưa qua, “tiếng chì” đưa lại giữa phương Tây và chính quyền Tehran.

Trung Đông và Bắc Phi có lẽ chưa bao giờ nóng đến thế. Trong chảo lửa ấy, nổi bật lên hai thái cực – một bên là phương Tây đi đầu là Mỹ, các đồng minh trong Liên minh châu Âu thể hiện một thái độ không khoan nhượng và một bên là Nga, Trung Quốc chủ trương tìm kiếm những giải pháp mang tính hòa giải.

Theo giới quan sát, mặc dù lâu nay vẫn đứng từ xa quan sát các đối thủ tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông, nhưng giờ đây Trung Quốc đã quyết định không thể là người đứng ngoài cuộc để khẳng định vị thế của mình.

Hai tuần sau khi bị chỉ trích nặng nề vì đã phủ quyết một nghị quyết của HĐBA LHQ lên án việc Chính phủ Syria dùng bạo lực chống lại những người biểu tình đòi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, Bắc Kinh đã tuyên bố cử một đặc phái viên cấp cao tới Damacus.

Nước này cũng đồng thời xác nhận rằng, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ công du nước này vào đầu tháng 3 tới.

Trong những ngày gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khẳng định, Bắc Kinh có quyền đưa quan điểm riêng về Trung Đông, có quyền phản đối Mỹ và phương Tây khi lợi ích của Bắc Kinh và phương Tây khác nhau.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trạch Tuyển thẳng thừng tuyên bố Bắc Kinh không chấp thuận sự can thiệp vũ trang hay cưỡng ép cái gọi là “thay đổi chế độ” ở Syria và lên án mọi hành động bạo lực nhằm vào dân thường”.

Theo quan chức ngoại giao này, Chính phủ Trung Quốc kiên định theo đuổi chính sách đối ngoại hoà bình độc lập và cam kết ủng hộ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Với Iran, Trung Quốc cũng có thái độ rõ ràng. Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Bắc Kinh kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan bình tĩnh, kiềm chế các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và thực hiện những nỗ lực chung nhằm ngăn ngừa chiến tranh, đồng thời hối thúc Iran tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm đưa vấn đề hạt nhân của Iran hướng tới giải pháp đối thoại.

Rõ ràng, với những tuyên bố và hành động trên, Trung Quốc đang phát đi một thông điệp cho phương Tây về sự can dự của mình vào các vấn đề quốc tế.

…Để được gì?

Mong muốn can dự của Trung Quốc trỗi dậy khi uy tín của nước này trong thế giới Arập phải hứng chịu một “cú đòn” chưa từng thấy. Chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác của Bắc Kinh đã khiến Arập đứng về phía các nhà độc tài trong khu vực và chống lại những người biểu tình đang yêu cầu thay đổi chính trị.

Bạo lực tiếp tục lan rộng ở bên trong Syria, sau khi nghị quyết của HĐBA LHQ bị phủ quyết, khiến một số người tại Syria và thế giới Arập quy trách nhiệm cho Nga và Trung Quốc về những thương vong đang tăng lên.

Tuy nhiên, nếu những người biểu tình tại Syria và các nước Arập khác đang coi Trung Quốc là một lực lượng thù địch, thì các chế độ Syria và Iran rõ ràng đang coi họ là bạn.

Theo dự kiến, chuyến thăm Bắc Kinh của ông Ahmadinejad sẽ tập trung vào việc giành được thị trường quan trọng này cho dầu mỏ của Iran khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) siết chặt hơn các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Chính phủ Iran.

Trong khi đó, ông Imad Moustapha – Đại sứ Syria tại Bắc Kinh – đã tuyên bố rằng, đặc phái viên của Trung Quốc chắc chắn sẽ nhận được lời cảm ơn vì đã giúp Syria chống lại “sự bá chủ của Mỹ”.

Không quá khó để đi sâu vào bản chất sự đối đầu và can dự của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tại Trung Đông và Bắc Phi. Tất cả đều xoay quanh một chữ LỢI.

Thứ nhất, với Iran, đó là lợi ích về dầu mỏ. Là quốc gia mới nổi hàng đầu thế giới, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán năng lượng. Lời giải cho bài toán này chỉ có thể là các nước giàu nguồn tài nguyên dầu mỏ, trong đó Iran là một đối tác khá lý tưởng.

Để đổi lấy dầu, Trung Quốc đã trở thành nước hỗ trợ quan trọng cho những tham vọng hạt nhân của Iran. Trong nhiều năm qua, sự hỗ trợ vững chắc của Bắc Kinh đã giúp Tehran chống lại những nỗ lực cô lập và trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với tham vọng hạt nhân của nước này.

Rõ ràng, Bắc Kinh không thể để mất một đối tác như Tehran để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước của mình.

Thứ hai, với Syria, cái lợi ở đây là khẳng định vị thế của một nước siêu cường châu Á muốn tìm được chỗ đứng xứng đáng trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc đang tìm kiếm “con đường thứ ba” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang tại Syria.

Trung Quốc tuyên bố việc nước này sử dụng quyền phủ quyết không phải để bảo vệ ông Assad, mà để phản đối nỗ lực do Mỹ lãnh đạo nhằm tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ trước khi tất cả các bên hài lòng với nghị quyết.

Là một cường quốc châu Á, Trung Quốc đã từng bước khẳng định vị thế của mình và không dễ dàng chấp nhận thái độ áp đặt của Mỹ và phương Tây trong các vấn đề quốc tế.

Thứ ba, về mặt đối nội, thái độ phản đối cứng rắn của Trung Quốc cùng nguyên tắc “không can thiệp công việc nội bộ” được giới quan sát nhìn nhận như một cách Bắc Kinh rào dậu sân nhà mình trước những tác động tiêu cực của “Mùa Xuân Arập” đối với tình hình trong nước.

Nghị quyết của HĐBA bị phủ quyết đã kêu gọi “tiến trình chuyển tiếp chính trị do người Syria lãnh đạo hướng tới một hệ thống chính trị dân chủ và đa nguyên”.

Phủ quyết một văn kiện như thế, Trung Quốc cũng đồng thời cho thấy sự che chắn nhằm đối phó với những hệ lụy (có thể xảy ra) từ làn gió “Mùa Xuân Arập” đối với nước mình.

Rút kinh nghiệm xương máu từ Libya khi Trung Quốc đã không dùng quyền phủ quyết và kết quả là các cường quốc phương Tây đã sử dụng vũ lực vượt quá sự ủy quyền của LHQ, Bắc Kinh có lý do lo ngại nghị quyết này tạo tính chính đáng cho một hành động can thiệp quân sự mới và sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Rõ ràng, trong vấn đề Syria và Iran hiện nay, Trung Quốc đã tìm cho mình một hướng đi để bảo vệ tối đa các lợi ích của mình.

Theo petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG