Trung tâm tài chính lớn thứ hai thế giới lao đao

Thủ tướng Theresa May cảnh báo những người đòi hạ bệ bà đừng mong làm tốt hơn về Brexit.
Thủ tướng Theresa May cảnh báo những người đòi hạ bệ bà đừng mong làm tốt hơn về Brexit.
TPO - Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ Viện Anh sáng sớm nay (giờ Hà Nội) đã hạ hồi thân phận thủ tướng Theresa May. Người phụ nữ 62 tuổi nắm quyền chưa đầy hai năm cuối cùng cũng vượt qua cửa ải với chiến thắng mong manh. Điều đáng sợ hơn sau sự kiện này là rạn nứt khó có thể cứu vãn ngay từ trong nội bộ đảng Bảo Thủ và nguy cơ mất vị thế trung tâm tài chính lớn thứ hai thế giới của Anh Quốc.

Hiếm có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nào diễn ra lẹ vậy. Sau khi hội đủ kiến nghị từ 15% trong tổng số 315 đảng viên bảo thủ ở Hạ Viện, Graham Brady - chủ tịch cái gọi là uỷ ban 1922 của đảng, quyết ngay cho dù phải thực hiện sau giờ làm việc. Công khai chống thủ tướng xảy ra ngay trong nội bộ đảng thay vì từ đảng Lao Động đối lập, nhất là khi bà May hoãn thông qua kế hoạch Brexit ở Hạ Viện hôm 10/12.

Bất mãn nổi lên như ong chủ yếu xuất phát từ cách bà xử lý vấn đề biên giới Bắc Ireland 1,8 triệu dân – một thành viên thuộc Vương quốc Anh -  với Cộng hoà Ireland 4,8 triệu dân vốn là một quốc gia độc lập và là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Đường biên giới dài 500 km ấy hậu Brexit sẽ không còn là biên giới giữa hai thành viên EU nữa mà, ngược lại, giữa một nước trong EU và một nước ngoài EU.

Lúc đầu, thay vì xác lập biên giới cứng giữa hai vùng lãnh thổ này ngay khi Anh rời EU, bà May và EU đồng ý cứ để nó như cũ trong vài ba năm quá độ. Về sau, để tránh vĩnh viễn đường biên giới cứng ngay cả khi thoả thuận thương mại EU và Anh thời hậu Brexit không thành công, ngày 25/11, bà May và EU đạt được bước đi lịch sử mang tên “điều khoản phòng xa” (backstop proposal). Theo đó, Liên hiệp Vương quốc Anh – gồm cả Bắc Ireland – sẽ vẫn ở trong liên minh thuế quan với EU “trừ phi và cho đến khi” liên hiệp thấy rằng không còn tồn tại nguy cơ quay trở lại biên giới cứng nữa.

Biên giới cứng, với việc thiết lập các trạm gác hải quan như bất cứ đường biên giới quốc gia nào trên thế giới, là kịch bản mà không chính đảng nào ở Anh mong muốn. Nguyên nhân của sự cự tuyệt là nỗi lo sợ trở lại cuộc tương tàn.

Xung đột giữa người Tin Lành đa số ủng hộ Bắc Ireland ở lại Anh với người Cơ Đốc thiểu số muốn sáp nhập nó với Cộng hoà Ireland từng làm 3700 người chết sau ba thập niên và chỉ dịu đi khi có Thoả hiệp Thứ sáu Tốt lành (Good Friday Agreement) năm 1998.

Khốn nỗi cả bà May lẫn EU không lường trước được rằng “điều khoản phòng xa” bị phản ứng dữ dội ở Anh bởi cả hai phe phản đối cũng như ủng hộ Brexit. Họ cho đấy là cái bẫy và chỉ tổ gây hại vĩnh viễn cho Anh. Trong đó có việc tiếp tục chịu hàng đống nghĩa vụ với EU.

Ngược lại, EU cho rằng mình đã nhượng bộ đến thế là hết và nếu người Anh không tin thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Hôm nay, 13/12, EU nhóm họp để cố đưa ra lời giải thích cuối cùng về backstop proposal. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk quả quyết sẽ không tái đàm phán gì nữa dù bất cứ chính phủ mới nào của Anh được dựng lên thay thế chính phủ của thủ tướng May.

Nguy cơ Anh rời EU mà không có thoả thuận Brexit nào, vì vậy, vẫn hiện hữu bất chấp bà May vừa qua cửa tử với tỷ lệ 117/315 đảng viên đồng đội của bà ngáng đường. Điều đó đồng nghĩa với sự tàn phá hàng loạt kết cấu chính trị và kinh tế Anh vốn vẫn là đầu tàu ở EU tính đến thời điểm này.

Riêng năm 2018, gần 400.000 việc mới được tạo ra, nâng tổng số người có việc làm lên 32,5 triệu, khiến tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,1%, thấp nhất kể từ những năm 1970s. Bên cạnh đó, tiền lương đạt cao nhất gần một thập kỷ qua với GDP tăng trưởng và lạm phát được kiềm chế ở mức 2,4%.

Thống kê nói lên nhiều điều nếu so sánh với phần còn lại của EU. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp hiện là 9% trong khi con số đó ở Ý vốn trì trệ suốt thập kỷ qua là 10,6% còn ở Tây Ban Nha lên đến 14,8%. Tại Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, cứ ba người dưới tuổi 25 thì có một thất nghiệp. Ở Pháp và Bồ Đào Nha, tỷ lệ ấy là 1/5, cao gấp đôi so với Anh.

Một EU ảm đạm đang đối mặt với khủng hoảng cho dù có hay không có Brexit. Với Anh, chia tay EU mà không có Brexit là đòn giáng vào trung tâm tài chính lớn thứ hai toàn cầu. Ngay cả khi Toà án Châu Âu đánh tiếng vẫn để cửa cho Anh ở lại EU nếu muốn, vị thế của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với 2,8 nghìn tỷ USD vẫn bị đe doạ một khi Brexit trở thành trò đùa suốt hai năm qua.

MỚI - NÓNG